Một số lợi ích sức khỏe của chanh và mật ong
Theo TTƯT.DSCKII. Đỗ Huy Bích: Về mặt y học, hầu hết các bộ phận của quả chanh từ vỏ, hạt, dịch chanh (cốt chanh)... đều là những vị thuốc tốt trong y học cổ truyền và được lưu truyền qua kinh nghiệm dân gian. Dịch quả chanh chiếm 23-95% trọng lượng quả, chứa acid citric (6,56-7,84%), đường toàn phần (0,26-4,13%), protein, dầu béo, muối khoáng, vitamin B1, vitamin C.
Chanh có hàm lượng vitamin C cao. Nước cốt của một quả chanh (48 gam) cung cấp khoảng 18 miligam vitamin C, chiếm khoảng 20% lượng khuyến nghị hàng ngày cho người lớn.
Vitamin C và các chất chống oxy hóa khác trong quả chanh có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại virus gây cảm lạnh và cúm. Bổ sung vitamin C từ chanh sẽ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh cảm lạnh và có thể giúp giảm thời gian bị cảm lạnh. Pha chanh với nước nóng cùng một thìa mật ong sẽ có một thức uống dịu nhẹ cho người bị ho hoặc cảm lạnh.
Mật ong chứa nhiều thành phần như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit phenolic và flavonoid, có hoạt tính chống oxy hóa giúp bảo vệ bạn chống lại một số loại tổn thương tế bào… và mang nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Mật ong từ lâu đã được sử dụng để chữa lành vết thương và vết bỏng vì đặc tính kháng khuẩn của nó.
Nên uống nước chanh mật ong thế nào để tốt cho sức khỏe?
Mặc dù có nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh những lợi ích sức khỏe của mật ong và chanh mang lại, nhưng chưa có nghiên cứu đủ lớn nào được thực hiện khẳng định những hiệu quả về sự kết hợp của nước chanh với mật ong. Tuy vậy, có một phương pháp giảm cân phổ biến mà nhiều người thực hiện là uống một ly nước cốt chanh hoặc cốt chanh pha mật ong vào buổi sáng.
Lưu ý, phương pháp này sẽ là thảm họa cho dạ dày nếu bạn uống nước chanh lạnh và uống khi bụng đói. Nó có thể dẫn đến đau dạ dày, gây ợ nóng, buồn nôn và nôn, dẫn đến trào ngược dạ dày do axit trong quả chanh. Vì vậy, bạn nên pha chanh với nước ấm, có thể thêm vài giọt mật ong nếu bạn không bị đau bụng. Trong trường hợp bị đau bụng, bạn không nên uống nước chanh vào buổi sáng.
ThS. BS. Trần Đức Cảnh, BV. K Trung ương, chuyên gia trong lĩnh vực chẩn đoán, can thiệp ung thư sớm đường tiêu hóa cho biết, nước chanh có hoạt tính axit mạnh với độ PH bằng 2, gồm axit citric tương đương với giấm ăn và axit ascorbic. Liên tục dùng nước chanh vào buổi sáng trước bữa ăn có thể khởi phát một số bệnh lý đường tiêu hóa như viêm, loét hay trào ngược dạ dày. Ngoài ra, nồng độ axit mạnh này còn có thể dẫn đến hỏng men răng.
Mật ong cung cấp rất nhiều vitamin, khoáng chất, là một thực phẩm cao năng lượng, nếu dùng nhiều và thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì… khiến tình trạng bệnh lý trào ngược dạ dày càng trở nên trầm trọng hơn.
Thay vì dùng nhiều nước cốt chanh nên ngâm một vài lát chanh vào một bình nước ấm to để giảm bớt axit trong quả chanh.
Chanh có tính axit do đó uống nước chanh trước khi đi ngủ có thể dẫn đến đi tiểu nhiều lần và không tốt cho những người bị loét miệng. Bên cạnh đó, chanh có tính axit cao, tiếp xúc thường xuyên có thể làm mòn men răng, khiến răng dần ố vàng và khi chạm vào lưỡi có cảm giác thô ráp. Vì vậy, tốt nhất nên tạo thói quen uống nước chanh bằng ống hút để hạn chế răng tiếp xúc axit trong quả chanh. Và uống trước khi đi ngủ 2-3 tiếng.
Axit trong chanh khi đi vào dạ dày có thể gây kích ứng dạ dày khiến axit tiết ra nhiều hơn gây ra chứng ợ nóng. Đối với những người đang mắc các bệnh về dạ dày thì không nên uống nước chanh vào buổi sáng hoặc chỉ nên uống 1-2 lần/tuần, mỗi lần chỉ nên pha vài giọt nước chanh.
Thay vì dùng nhiều nước cốt chanh, bạn hãy ngâm một vài lát chanh vào một cốc nước ấm to, vị chanh lúc này rất nhẹ, về cơ bản không gây hại cho dạ dày.
Theo suckhoedosiong.vn