leftcenterrightdel
 Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - chia sẻ về bệnh ung thư vú - Ảnh: Thanh Huyền

Ung thư vú đứng đầu trong các loại ung thư phụ nữ hay mắc phải. Tỷ lệ mắc ung thư vú ở phụ nữ tăng dần theo độ tuổi. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, cơ hội điều trị thành công rất cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chị em chưa có đủ kiến thức về tầm soát ung thư vú để phát hiện bệnh kịp thời. 

Qua buổi trò chuyện cùng phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - Báo Phụ Nữ TPHCM hy vọng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh ung thư vú, giúp chị em chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân.

Từ 40 tuổi trở đi, phụ nữ phải tầm soát ung thư vú nghiêm ngặt 

Phóng viên: Thưa bác sĩ, có phải tỷ lệ người mắc ung thư vú tại Việt Nam đang gia tăng? Tiến trình của bệnh ung thư vú diễn ra như thế nào?

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết: Nếu 30 năm về trước, cơ cấu bệnh tật ở Việt Nam là nhiễm trùng thì cơ cấu bệnh tật của chúng ta hiện nay là các bệnh mạn tính (huyết áp, đái tháo đường, tim mạch) và ung thư. Bệnh ung thư ngày càng gia tăng tại Việt Nam, trong đó ung thư vú đang đứng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ. Theo báo cáo từ Bộ Y tế, mỗi năm có 11.000 phụ nữ bị ung thư vú. Tỷ lệ ung thư vú cao gấp khoảng 3 lần ung thư cổ tử cung và ung thư đại tràng. Tỷ lệ ung thư vú ở phụ nữ độ tuổi từ 20 - 29 là 6,8/100.000 trường hợp; trong độ tuổi từ 30 - 39, tỷ lệ này tăng gấp 8 lần (so với nhóm tuổi 20 - 29). Tỷ lệ mắc ung thư vú ở phụ nữ 40 tuổi trở đi là 201/100.000 trường hợp. 

Tất cả các cơ quan của cơ thể được cấu tạo bởi tế bào. Tế bào già và chết đi sẽ được thay thế bằng tế bào mới. Nếu sự thay đổi của tế bào không theo nguyên tắc thông thường thì sẽ gây ra ung thư. Cấu tạo của vú bao gồm bầu vú, quầng vú, núm vú. Bên trong vú có các tiểu thùy, thùy vú, ống dẫn sữa tập trung về núm vú. Tiểu thùy và thùy vú có mô mỡ xen lẫn. Ban đầu, dấu hiệu ung thư chỉ ở tiểu thùy, sau đó xâm lấn rộng, di căn ra máu, bạch huyết và các cơ quan ở xa.

* Có phương pháp chung để tầm soát ung thư vú hay tùy độ tuổi mà có phương pháp tầm soát tương ứng thích hợp, thưa bác sĩ?

- Có 3 phương pháp chính để tầm soát ung thư vú. Phương pháp đơn giản nhất là tự khám. Thời điểm tự khám tốt nhất là sau khi sạch kinh nguyệt một tuần. Lúc này, nồng độ estrogen trong cơ thể giảm nhiều nhất nên khi sờ mô tuyến vú sẽ phát hiện chính xác các bất thường. Phương pháp tiếp theo là siêu âm, phương pháp cuối cùng là chụp nhũ ảnh kỹ thuật số (không đau như chụp nhũ ảnh bình thường). 

Lúc khám vú, chị em nên đứng nghiêng trước gương để có thể quan sát toàn bộ bầu vú. Nếu sờ thấy có khối u ở vú thì đây được coi là dấu chứng quan trọng. Những biểu hiện bất thường ở vú cần đi khám ngay là không cho con bú mà vẫn có dịch tiết như sữa, đặc biệt là có máu. Ngoài ra, xuất hiện nốt đỏ trên da vú, da vú lõm một lỗ hoặc sần sùi như vỏ cam (đôi khi chỉ sần sùi một vùng). Đó đều là những triệu chứng cảnh báo ung thư.

Từ 18 tuổi, phụ nữ chỉ cần tự khám vú; từ 20 - 30 tuổi nên khám tầm soát chuyên khoa 3 năm/lần. Tuy nhiên, từ 40 tuổi trở đi, phụ nữ phải tầm soát nghiêm ngặt hơn, khám chuyên khoa 1 năm/lần kèm theo siêu âm vú, chụp nhũ ảnh mỗi năm.

Cần chủ động quan tâm tới sức khỏe bản thân

Những người có nguy cơ mắc ung thư vú cao là bệnh nhân béo phì, mắc bệnh lý huyết áp, sinh con trễ sau 35 tuổi, không cho con bú, tiền căn gia đình, chu kỳ kinh nguyệt bất thường, dậy thì sớm và mãn kinh trễ - ẢNH: INTERNET
Những người có nguy cơ mắc ung thư vú cao là bệnh nhân béo phì, mắc bệnh lý huyết áp, sinh con trễ sau 35 tuổi, không cho con bú, tiền căn gia đình, chu kỳ kinh nguyệt bất thường, dậy thì sớm và mãn kinh trễ

 

* Quy trình khám, phát hiện và điều trị ung thư vú tại bệnh viện như thế nào, thưa bác sĩ?

- Khi bệnh nhân tới cơ sở y tế sẽ được siêu âm vú (2D, 3D) hoặc siêu âm đàn hồi tùy loại sang thương. Siêu âm đàn hồi mô là kỹ thuật siêu âm đánh giá độ cứng của mô thông qua mức độ đàn hồi của mô khi chịu tác động của lực cơ học. Các mô càng ác tính thì độ cứng càng tăng. Siêu âm đàn hồi giúp đánh giá được độ cứng của mô tổn thương, từ đó cung cấp thêm thông tin về bản chất của mô.

Nếu thấy có bất thường, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định chụp nhũ ảnh. Cuối cùng, bác sĩ sẽ cho người bệnh xét nghiệm sinh thiết tế bào hoặc xét nghiệm dịch tiết để chẩn đoán chính xác giai đoạn ung thư nhằm chọn phương án điều trị cũng như tiên lượng sống còn.

Đầu tiên là phương pháp phẫu trị. Bệnh nhân được cắt bảo tồn, cắt toàn bộ vú (ở giai đoạn 2) hoặc cắt kết hợp nạo hạch triệt để. Phẫu thuật cắt toàn bộ vú sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người bệnh. Vì thế, ngày nay, trong quá trình cắt bỏ vú, bác sĩ thường kết hợp tạo hình thẩm mỹ vú cho bệnh nhân. Nhờ thế, sau ca mổ, người bệnh vẫn thấy mình có đầy đủ hai bầu vú, tránh được sự mặc cảm về hình thể.

Trong điều trị ung thư, hóa trị là một phương pháp phổ biến. Hóa trị nghĩa là dùng hóa chất tiêu diệt các tế bào ung thư không thể nhìn thấy bằng mắt thông qua đường bạch huyết, đường máu; áp dụng cho bệnh nhân ung thư ở giai đoạn 2, 3, 4. Tuy nhiên, phương pháp hóa trị gây ra một số biến chứng như rụng tóc, ảnh hưởng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu… vì khi tiêu diệt tế bào ung thư, hóa chất vô tình diệt luôn cả tế bào bình thường. Đôi khi bệnh nhân chưa qua đời vì ung thư lại tử vong do các biến chứng liên quan của việc điều trị. 

Xạ trị cũng là một phương pháp điều trị ung thư hiệu quả, thường được áp dụng trước và sau khi phẫu thuật. Xạ trị là việc sử dụng các liều lượng phóng xạ được đo đếm cẩn thận để điều trị nhiều bệnh ung thư. Chùm tia phóng xạ sẽ phá hủy/tiêu diệt tế bào ung thư đồng thời ngăn chặn chúng phân chia và phát triển. 

Bên cạnh những phương pháp vừa kể, liệu pháp điều trị ung thư nhắm trúng đích đang được coi là an toàn và hiệu quả hơn cả. Người bệnh sẽ được chọn lọc đúng các tế bào ung thư để tiêu diệt, giảm được biến chứng do quá trình điều trị gây ra. 

* Xin bác sĩ cho biết tỷ lệ điều trị thành công của từng giai đoạn ung thư vú. Đối tượng nào dễ mắc ung thư vú nhất?

- Với ung thư vú ở giai đoạn zero (chưa xâm lấn), khi điều trị, tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm là 100%. Ở giai đoạn 1, tỷ lệ này là 98%, giai đoạn 2 là 95%, giai đoạn 4 thì chỉ còn 28%. Điều đó cho thấy việc phát hiện sớm bệnh ung thư là vô cùng quan trọng.

Những người có nguy cơ mắc ung thư vú cao là bệnh nhân béo phì (nguy cơ cao gấp 3 lần bình thường), mắc bệnh lý huyết áp, sinh con trễ sau 35 tuổi, không cho con bú, tiền căn gia đình, chu kỳ kinh nguyệt bất thường, dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh trễ (sau 55 tuổi vẫn còn kinh nguyệt). 

Rất nhiều loại ung thư không có phương tiện tầm soát sớm nhưng ung thư vú và ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phát hiện sớm. Dó đó chị em cần chủ động quan tâm tới sức khỏe bản thân để kịp thời nhận biết và điều trị sớm ung thư vú.

* Xin cảm ơn bác sĩ. 

Tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tăng trong những năm gần đây không chỉ là gánh nặng cho cá nhân, gia đình mà còn trở thành vấn nạn của xã hội. Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), vào năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư mới ở Việt Nam đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), tỷ lệ tử vong do ung thư của Việt Nam cũng tăng lên 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia). Đáng lưu ý, 80% bệnh nhân ung thư tại Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị.

Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, giảm chi phí và tăng hiệu quả điều trị.

Theo phụ nữ TPHCM