leftcenterrightdel
Căng thẳng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng theo nhiều cách khác nhau. Đồ họa: Thiện Nhân 

 

Mối liên hệ giữa căng thẳng và sức khỏe răng miệng là gì?

Tiến sĩ Nikhil Nayar, Bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Sharda (Ấn Độ) - cho biết: “Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe răng miệng và thường là tác nhân gây ra các bệnh như nướu răng, sâu răng và cuối cùng là mất răng".

Nghiến răng (Bruxism): Căng thẳng là một nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người nghiến răng, đặc biệt là vào ban đêm khi ngủ. Nghiến răng có thể làm mòn men răng, gây đau hàm, rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) và các vấn đề về cơ hàm.

Bệnh nướu (Gingivitis) và viêm nướu: Căng thẳng làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến nướu và mô mềm trong miệng dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về nướu, như viêm nướu và bệnh nha chu, làm tăng nguy cơ mất răng.

Khô miệng (Xerostomia): Khi cơ thể chịu căng thẳng, việc tiết ra nước bọt có thể bị giảm sút, dẫn đến tình trạng khô miệng. Nước bọt giúp làm sạch miệng và bảo vệ răng khỏi vi khuẩn. Khô miệng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ sâu răng và viêm nướu.

Thói quen ăn uống không lành mạnh: Khi căng thẳng, nhiều người có xu hướng ăn các loại thực phẩm không tốt cho răng miệng, chẳng hạn như thực phẩm chứa nhiều đường hoặc đồ uống có ga. Đường và axit từ các thực phẩm này có thể gây sâu răng và hư tổn men răng.

Sự suy giảm trong thói quen vệ sinh răng miệng: Khi một người bị căng thẳng mạn tính, thường sẽ không có động lực hoặc không đủ thời gian để chăm sóc răng miệng đúng cách, dẫn đến việc vệ sinh răng miệng không đầy đủ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng như sâu răng và viêm nướu.

Tăng mức độ viêm trong cơ thể: Căng thẳng kéo dài có thể làm tăng mức độ viêm trong cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện, bao gồm cả sức khỏe răng miệng. Viêm nướu và các vấn đề nha khoa khác có thể trở nên trầm trọng hơn khi cơ thể bị viêm do căng thẳng.

Cách giảm tác động của căng thẳng lên sức khỏe răng miệng

Thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, yoga, hoặc các bài tập thư giãn.

Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách, bao gồm đánh răng 2 lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa.

Tránh các thói quen xấu như nghiến răng hoặc cắn móng tay.

Uống đủ nước để giảm khô miệng.

Chế độ ăn uống lành mạnh, giảm thiểu thức ăn và đồ uống có hại cho răng miệng.

Tiến sĩ Nayar chia sẻ: “Căng thẳng là một yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe răng miệng, nhưng nếu được quản lý đúng cách, những tác động này có thể được giảm thiểu”.

Theo laodong