Dường như không có nhiều nghiên cứu cho thấy Covid-19 có thể dẫn đến sức khỏe răng miệng kém. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố vào tháng 01/2021 trên Springer cho thấy sức khỏe răng miệng kém có thể làm tăng nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cụ thể, nghiên cứu cho biết, virus Covid-19 có thể xem miệng như một điểm xâm nhập thông qua thụ thể ACE2 ở lưỡi, nướu và răng. Với những người có sức khỏe răng miệng kém, sự hiện diện của các thụ thể ACE2 dường như cao hơn.
Một nghiên cứu khác trên NCBI lưu ý rằng có thể có mối liên hệ giữa các bệnh về nướu răng, mảng bám răng với việc tăng nguy cơ biến chứng do virus Covid-19.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, vệ sinh răng miệng kém có thể làm tăng khả năng vi khuẩn di chuyển từ miệng tới phổi. Và hệ quả là nguy cơ phát triển các nhiễm trùng do vi khuẩn, trong đó có Covid-19.
Mối liên hệ giữa Covid-19 và sức khỏe răng miệng:
1. Covid-19 và viêm lợi
Viêm lợi là tình trạng viêm nướu gồm các triệu chứng:
- Nướu bị sưng đỏ
- Khi đánh răng hay sử dụng chỉ nha khoa dễ bị chảy máu
- Hơi thở có mùi hôi
- Đôi khi miệng có vị khó chịu.
Vệ sinh răng miệng kém có thể dẫn tới sự tích tụ của vi khuẩn bám vào răng và hình thành nên các mảng bám răng, từ đó gây ra viêm lợi.
Các tác giả của một nghiên cứu trên NCBI hồi tháng 1/2021 đã suy đoán rằng một bệnh suy giảm miễn dịch như Covid-19 có thể khiến một người xao nhãng việc vệ sinh răng miệng và lại càng tạo điều kiện cho mảng bám trên răng phát triển và tăng nguy cơ viêm lợi.
Ngoài ra, việc chảy máu nướu răng cũng đang được xem xét như một triệu chứng nhiễm Covid-19. Một số báo cáo cho thấy, dấu hiệu của bệnh viêm lợi giảm xuống sau khi các triệu chứng Covid-19 giảm bớt.
Tuy nhiên nghiên cứu này mới chỉ dựa trên một quần thể nhỏ và các nhà khoa học cần nghiên cứu sâu trên một quần thể lớn hơn để có thể đạt được một kết luận chính xác.
2. Covid-19 có thể gây ê buốt răng không?
Dường như không có bất kỳ nghiên cứu nào gần đây cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa Covid-19 và sự nhạy cảm của răng.
Một người bị ê buốt răng khi men răng - lớp cứng bên ngoài răng có tác dụng bảo vệ răng - bị mòn hoặc yếu đi. Các triệu chứng chủ yếu của ê buốt răng bao gồm:
- Đau hoặc khó chịu khi nhai
- Đặc biệt nhạy cảm với thức ăn/đồ uống nóng hoặc lạnh hay có tính acid.
Đối với những người bị ê buốt răng mức độ nhẹ, thì kem đánh răng cho răng nhạy cảm có thể là một giải pháp tốt. Ngoài ra thì việc chọn bàn chải đánh răng mềm hơn cũng là một gợi ý. Nếu như các triệu chứng vẫn tiếp tục tăng lên với mức độ nặng hơn thì bạn cần tham vấn ý kiến của nha sĩ.
3. Covid-19 và chứng khô miệng
Khô miệng là tình trạng sức khỏe răng miệng xảy ra khi nước bọt tiết ra không đủ để giữ cho miệng ẩm đủ mức cần thiết. ĐIều này khiến quá trình phân hủy thức ăn hay nuốt thức ăn gặp khó khăn.
Khô miệng có thể là triệu chứng ban đầu của Covid-19. Vì thế với Covid-19 và sức khỏe răng miệng thì đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất theo một nghiên cứu công bố trên The Lancet. Tuy nhiên điều này vẫn không phải là một kết luận cuối.
Các tác giả của nghiên cứu nói rằng, khô miệng có thể là biểu hiện trực tiếp của việc virus SARS-CoV-2 lây nhiễm và làm tổn thương các tuyến nước bọt. Hoặc, khi vệ sinh răng miệng kém hay tác dụng phụ của quá trình điều trị Covid-19 cũng có thể khiến bệnh nhân bị khô miệng.
Khô miệng nếu như không được điều trị triệt để có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sâu răng và các nhiễm trùng trong miệng khác.
Đọc thêm:
Sâu răng và 10 dấu hiệu nhận biết
4. Covid-19 và các vết loét miệng
Cũng giống như các bệnh truyền nhiễm do virus khác thì virus SARS-CoV-2 cũng làm suy giảm hệ thống miễn dịch của người bệnh và làm tăng nguy cơ mắc thêm các bệnh nhiễm trùng khác.
Một số người sau khi phục hồi do Covid-19 đã cho thấy vết loét miệng trong miệng họ. Vết loét có thể giống như nấm, một số khác thì không. Nhìn chung, vết loét miệng có thể có dạng một mảng trắng xuất hiện trên lưỡi, nướu hoặc vòm miệng.
Khi bị loét miệng, người bệnh thường bị nóng đỏ vùng loét, đau khi ăn, uống. Theo NHS thì vết loét miệng thông thường sẽ tự khỏi sau 1 - 2 tuần. Nếu một người có vết loét miệng kéo dài trên 3 tuần thì cần hỏi ý kiến bác sĩ vì đây có thể là một bệnh nhiễm trùng khác.
5. Covid-19 có thể gây nứt gãy răng không?
Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ thì kể từ khi bắt đầu đại dịch, ghi nhận sự gia tăng 59% tật nghiến răng và tăng 53% người bị mẻ, nứt răng.
Họ cho rằng điều này xảy ra do mức độ lo lắng cao hơn trong mùa dịch và tư thế sai có thể khiến mọi người nghiến chặt hàm hơn.
Đối với sứt mẻ và nứt gãy răng, một nghiên cứu trên NCBI vào tháng 6/2020 cho thấy ở những người bị Covid nặng và cần tới sự trợ giúp của máy thở sẽ gặp một loạt các biến chứng trong đó có nứt gãy, sứt mẻ răng.
Tóm lại
Trong bối cảnh gia tăng các bệnh răng miệng trong đại dịch, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục thực hiện các nghiên cứu sâu hơn về mối quan hệ giữa Covid-19 và sức khỏe răng miệng. Mặc dù chưa có những khẳng định chắc chắn nhưng mọi người vẫn nên chú ý tới vệ sinh răng miệng đúng cách như một hình thức bảo vệ sức khỏe.
Kim Phụng