leftcenterrightdel
 Những người già thức dậy trước 7 giờ sáng, hoạt động trong 15 giờ hoặc lâu hơn mỗi ngày cảm thấy vui hơn và khả năng tư duy tốt hơn những người khác. Ảnh: Life Station.

Phát hiện của Đại học Pittsburgh (Mỹ), được công bố trên tạp chí JAMA Psychiatry, cho thấy cách thức hoạt động - chứ không chỉ cường độ hoạt động - rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và thần kinh của người già. Giáo sư, tiến sĩ tâm lý và dịch tễ Stephen Smagula, trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định rằng sự thay đổi cố ý các hoạt động hàng ngày có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.

Stephen và các cộng sự đã tuyển 1.800 người già trên 65 tuổi để thực hiện nghiên cứu. Các tình nguyện viên đeo gia tốc kế - thiết bị phát hiện chuyển động trong điện thoại thông minh và máy theo dõi tập thể dục - trên cổ tay của họ trong 7 ngày để đo hoạt động. Họ cũng hoàn thành bảng câu hỏi để đánh giá các triệu chứng trầm cảm và chức năng nhận thức.

Kết quả phân tích cho thấy 37,6% người tham gia dậy sớm vào buổi sáng, vận động liên tục trong ngày và có thói quen nhất quán hàng ngày.

“Nhiều người lớn tuổi có lối sống tích cực. Họ thường thức dậy trước 7 giờ sáng, hoạt động trong 15 giờ hoặc lâu hơn mỗi ngày. Những người đó cảm thấy vui hơn, hiếm khi trầm cảm hơn và tư duy tốt hơn những người khác”, giáo sư Stephen nói.

Nhóm thứ hai - bao gồm 32,6% số người tham gia - có thói quen nhất quán nhưng hoạt động trung bình chỉ 13,4 giờ mỗi ngày vì họ dậy muộn hơn vào buổi sáng hoặc ngủ sớm hơn vào buổi tối. Nhóm này có nhiều triệu chứng trầm cảm hơn và nhận thức kém hơn nhóm dậy sớm.

“Mọi người thường nghĩ rằng cường độ hoạt động là quan trọng đối với sức khỏe, nhưng có thể thời lượng hoạt động còn quan trọng hơn. Đây là một cách nghĩ khác về hoạt động: Có thể bạn không cần phải chạy nước rút hoặc chạy marathon mà chỉ cần duy trì hoạt động trong ngày”, giáo sư Stephen nhấn mạnh.

29,8% người còn trong nhóm thứ ba lại có lịch trình hoạt động gián đoạn. Các khoảng thời gian hoạt động của họ thất thường trong ngày và không nhất quán qua các ngày. Tỷ lệ người trầm cảm ở nhóm này đạt mức cao nhất và họ đạt kết quả kém nhất trong các bài kiểm tra tư duy.

“Mối quan hệ giữa sức khỏe tâm thần và thói quen hoạt động có thể diễn ra theo cả hai chiều: Trầm cảm hoặc sự suy giảm nhận thức có thể khiến bạn khó tuân theo một thói quen nhất quán và ngược lại, nhịp điệu hoạt động gián đoạn có thể khiến các triệu chứng này trở nên trầm trọng hơn”, giáo sư Stephen bình luận.

Theo zingnews