Rác thải nhựa tràn ngập ở Indonesia - Ảnh: AFP
Theo ABC News, đây là kết luận từ nghiên cứu do Đại học Newcastle của Úc tiến hành. Kết quả vừa công bố cho biết kể từ năm 2000, thế giới đã sản xuất ra khối lượng nhựa nhiều bằng tất cả các năm trước cộng lại.
Dựa trên kết luận của 52 nghiên cứu khác, báo cáo này chỉ ra rằng nguồn hấp thụ nhựa lớn nhất là từ nước uống khi trung bình mỗi người có thể tiêu thụ 1.769 hạt vi nhựa mỗi tuần chỉ từ việc uống nước.
Ngoài ra, con người cũng có thể nuốt một lượng lớn hạt vi nhựa khi ăn các loài động vật có vỏ như cua, tôm, trai, hàu hay sò vốn hấp thu các chất nhựa độc hại từ nước biển đã bị ô nhiễm quá nặng.
Cũng theo báo cáo của ĐH Newcastle, mức độ ô nhiễm nhựa có khác nhau tùy từng khu vực, nhưng không có nơi nào được "vô nhiễm".
Các container rác thải nhựa ở Cảng Klang, phía tây thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 28-5. Chính quyền Malaysia đã cương quyết buộc trả các container rác thải độc hại về nơi xuất phát của nó - Ảnh: AFP
Tại Mỹ, có tới 94,4% mẫu nước máy nhiễm các sợi nhựa siêu nhỏ, trung bình 9,6 sợi nhựa/lít. Nguồn nước ở châu Âu ít bị ô nhiễm hơn nhưng lượng sợi nhựa được ghi nhận có trong 72,2% mẫu nước, và trung bình là 3,8 sợi nhựa/lít.
Nghiên cứu công bố ngày 11-6 được xem là hồi chuông cảnh báo về tác động tiêu cực của ô nhiễm nhựa đang đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với môi trường và còn sức khỏe của con người.
Vài ngày trước, một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Công nghệ và Khoa học môi trường (Mỹ) cũng cho thấy mỗi người trung bình ăn ít nhất 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm và hít vào một khối lượng tương tự.
Các hạt nhựa gây ô nhiễm trong môi trường sống của chúng ta theo ghi nhận của ĐH Newcastle - Ảnh: ĐH Newcastle
Các nhà khoa học cũng cảnh báo con số thực có thể còn cao hơn nhiều lần vì nghiên cứu chỉ thực nghiệm phân tích được với một lượng nhỏ thực phẩm và nước uống. Theo các nhà khoa học, việc uống nước đóng chai làm gia tăng trầm trọng số lượng hạt vi nhựa mà con người tiêu thụ.
Theo tuoitre