|
|
Các loại rau thuỷ sinh dễ nhiễm ký sinh trùng. Ảnh: ST |
TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết, bệnh viện vẫn thường tiếp nhận các trường hợp tổn thương gan do nhiễm sán lá gan.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân nữ tại Nghệ An có dấu hiệu đau vị trí mạn sườn đi khám được bác sĩ chuẩn đoán nghi ngờ mắc u gan (thuỳ gan trái) chuyển tuyến lên bệnh viện chuyên khoa điều trị. Trước khi mổ, bệnh nhân được kiểm tra chuyên sâu một lần nữa, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có tổn thương nhiều vùng trên lá gan, nghi ngờ sán lá gan nên đã chuyển bệnh nhân tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.
Tại bệnh viện các bác sĩ đã làm các xét nghiệm chẩn đoán, kết luận bệnh nhân bị sán lá gan lớn. Sau khi uống thuốc tẩy sán, các triệu chứng đau tức vùng mạn sườn của bệnh nhân cũng hết. Hết liệu trình tẩy sán, bệnh nhân được đánh giá chức năng gan đang dần hồi phục.
Theo bác sĩ Thọ, sán lá gan lớn khi nhiễm thường có các triệu chứng như: mệt mỏi, có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, có thể sốt hoặc đau khớp, đau cơ và mẩn ngứa... Bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn ở giai đoạn cấp sẽ xuất hiện tình trạng đau dữ dội vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc đau vùng thượng vị, sốt và ngứa.
Các triệu chứng khi mắc sán lá gan lớn dễ nhầm lẫn với viêm dạ dày cấp. Bác sĩ Thọ cho hay, đã từng có bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn thuỳ trái, đau thượng vị và uống thuốc dạ dày mãi không khỏi. Khi bệnh nhân đi nội soi tiêu hoá không có tổn thương viêm dạ dày. Siêu âm có tổn thương thuỳ gan, xét nghiệm dương tính với sán. Bệnh nhân này được điều trị tẩy sán lá gan lớn. Sau 1 ngày, bệnh nhân đã hết các triệu chứng đau.
Thói quen ăn rau thủy sinh và nguy cơ nhiễm sán lá gan
|
|
Các loại rau thuỷ sinh dễ nhiễm ký sinh trùng (ảnh ST) |
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam cho biết, người bị nhiễm bệnh sán thường có thói quen ăn sống các loại rau thủy sinh (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong…), ăn các đồ chưa nấu chính như gỏi, tiết canh, hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán.
Sán đi vào cơ thể theo đường tiêu hóa và khu trú ở gan, tạo nên các ổ áp-xe gan (tổn thương gan). Bệnh nhân bị sán lá gan không được phát hiện sớm sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho gan.
Vật chủ chính của sán lá gan thường là động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu; con người chỉ là vật chủ ngẫu nhiên, tình cờ mắc bệnh; vật chủ trung gian truyền bệnh là ốc họ Lymnaea.
Thời gian ủ bệnh của sán lá gan lớn phụ thuộc vào số lượng ấu trùng ăn vào và khả năng đáp ứng của vật chủ. Ở người, giai đoạn này không xác định được chính xác nhưng có một số tác giả cho rằng giai đoạn thường có thể diễn ra trong vài ngày, vài tuần hoặc vài ba tháng, thậm chí lâu hơn. Tại gan, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm.
Để phòng bệnh sán lá gan lớn, bác sĩ Thọ khuyến cáo, người dân không nên ăn rau sống mọc dưới nước, không uống nước lã, không ăn gan sống. Thay vào đó, người dân nên ăn chín, uống chín, không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước.
Khi có triệu chứng nghi nhiễm ký sinh trùng, người dân cần phải đi khám ngay để tránh khiến gán tổn thương. Để phát hiện ra các trường hợp nhiễm ký sinh trùng sán lá gan bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm đánh giá.
Ngọc Minh