Sự phát triển của ung thư có liên quan đến các lựa chọn trong lối sống ví dụ như hút thuốc, uống nhiều rượu, thực phẩm thiếu lành mạnh. Mới đây, một đánh giá tổng hợp dựa trên 14 nghiên cứu đã đưa ra mối liên hệ giữa ung thư dạ dày và dưa - món ăn được người châu Á ưa chuộng.
Theo đó, chế độ ăn có nhiều thực phẩm được bảo quản bằng muối, chẳng hạn như dưa, có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Cơ thể cần một lượng natri nhất định và chúng ta nhận được đủ natri từ thực phẩm một cách tự nhiên. Bởi vậy, bạn không cần thêm muối vào thực phẩm khi chế biến. Tốt hơn hết nên chuyển sang chế độ ăn ít muối và thử tạo hương vị cho thực phẩm bằng các loại thảo mộc và gia vị khác.
Mọi người đều biết rằng ăn rau góp phần làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ở Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn cao mặc dù người dân có mức tiêu thụ rau nhiều. Bởi vậy, các nhà chuyên môn đã tiến hành xem xét để tìm hiểu lý do.
Người dân 2 nước trên chủ yếu ăn các loại rau đã qua chế biến, chẳng hạn như rau nấu canh, muối hoặc ngâm, hơn là rau tươi.
Để xác định xem việc ăn rau tươi và dưa có ảnh hưởng khác nhau đến nguy cơ ung thư dạ dày hay không, các nhà nghiên cứu đã thực hiện phân tích tổng hợp các báo cáo dịch tễ học được công bố trước đó.
Trong đó có 8 nghiên cứu về ăn rau tươi, 14 nghiên cứu về ăn các loại dưa liên quan đến nguy cơ ung thư dạ dày, 4 nghiên cứu về sự khác biệt về nguy cơ ung thư dạ dày ở nam giới và phụ nữ được xem xét riêng biệt.
Theo Express, kết quả cho thấy, ăn nhiều rau tươi liên quan đáng kể đến việc giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Còn ăn nhiều rau muối làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Tuy nhiên, vì mẫu nghiên cứu chỉ giới hạn trong dân số Nhật Bản và Hàn Quốc, nên không rõ liệu sự khác biệt về nhân khẩu học có đóng một vai trò nào đó hay không.
Các yếu tố nguy cơ
Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa ung thư dạ dày. Nhưng thực hiện những thay đổi lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, bạn nên:
- Cố gắng bỏ thuốc lá
- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì
- Mặc quần áo bảo hộ và đeo khẩu trang nếu bạn làm công việc tiếp xúc với hóa chất độc hại
- Giảm lượng muối ăn mỗi ngày
- Cố gắng cắt giảm lượng rượu
- Ăn nhiều loại rau quả khác nhau mỗi ngày
- Cắt giảm lượng thịt đỏ và thịt đã qua chế biến như giăm bông, thịt xông khói và xúc xích
Điều quan trọng là phải khám khi có bất kỳ triệu chứng nào của ung thư dạ dày: ợ chua hoặc trào ngược axit, khó nuốt, mệt mỏi, khó tiêu, no nhanh.
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là các tế bào của dạ dày phát triển mất kiểm soát, tạo thành các khối u tại dạ dày, có thể lan ra xung quanh và các cơ quan xa hơn (di căn xa). Ung thư dạ dày là một trong những ung thư phổ biến trên thế giới, tỷ lệ mắc đứng thứ 3 ở nam và đứng thứ 4 ở nữ. Tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi của nam giới gấp 2 lần nữ giới. Bệnh liên quan đến vi khuẩn HP (Helicobacter pylori), chế độ ăn uống và một số yếu tố đại lý, môi trường. Bệnh thường diễn biện âm thầm ở giai đoạn sớm nên người bệnh thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.
|
Theo vietnamnet