leftcenterrightdel
Giấm có tiềm năng hỗ trợ chống lại trầm cảm và sẽ "một công đôi việc" nếu bạn đồng thời muốn giảm cân - Ảnh AI: Anh Thư 

Nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học bang Arizona (Mỹ) đã chỉ ra một loại gia vị tốt theo nhiều cách cho những người vừa muốn đánh bay cân nặng dư thừa, vừa muốn cải thiện sức khỏe tinh thần, giải quyết chứng trầm cảm: Giấm.

Viết trên tạp chí khoa học Nutrients, các tác giả cho biết rối loạn trầm cảm, một trong những gánh nặng sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trên toàn cầu, đã có sự gia tăng đáng kể về tỉ lệ mắc bệnh trong thập kỷ qua.

Các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, bao gồm thuốc men và liệu pháp tâm lý , có hiệu quả khác nhau và có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Điều này đã thúc đẩy việc tìm kiếm các liệu pháp thay thế.

Trong khi đó, giấm một dung dịch axit axetic lên men, đã nổi lên như một chất bổ sung tiềm năng vào chế độ ăn uống nhằm kiểm soát các chỉ số trong kết quả xét nghiệm máu, giảm cân và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Trong nghiên cứu mới, các tác giả cho thấy nó cũng đồng thời là chất chống trầm cảm tốt.

Nhiều tình nguyện viên là người không có bệnh mạn tính, không hút thuốc, trong độ tuổi từ 18-45 với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25-40 đã được cho bổ sung giấm bằng giấm ăn thông thường (2 muỗng canh, 2 lần/ngày) hoặc uống viên giấm (1 lần mỗi ngày) trong 4 tuần.

Trước và sau thử nghiệm, những người tham gia cung cấp mẫu máu lúc đói; ghi nhận chế độ ăn uống; được đo vòng eo, cân nặng và chiều cao. Họ cũng hoàn thành bảng câu hỏi về tiền sử sức khỏe và 2 lần đánh giá trầm cảm.

Kết quả cho thấy những người được bổ sung giấm - bất kể theo cách nào - đều giảm được điểm trầm cảm.

Tuy vậy, nhóm được bổ sung giấm lỏng cải thiện được tới 42%, trong khi nhóm dùng viên giấm chỉ có 18%, cho thấy dường như cách bổ sung tự nhiên là tốt nhất.

Tất nhiên bạn không cần phải uống giấm loãng như họ, vì có rất nhiều cách để thêm giấm vào chế độ ăn.

Bất ngờ hơn, cơ chế của việc chống lại trầm cảm này lại là sự tăng đến 86% nồng độ nicotinamide ở nhóm dùng giấm lỏng.

Đó là một loại vitamin B3 liên quan mật thiết đến nhiều cơ chế trong cơ thể, bao gồm chức năng thần kinh, nhận thức và cả điều chỉnh tâm trạng.

Nicotinamide không tồn tại trong giấm, nhưng giấm đã thúc đẩy một quá trình nhằm tăng cường sản xuất nicotinamide trong cơ thể.

Ngoài việc tự sản xuất nicotinamide, cũng có thể bổ sung loại vitamin B3 này thông qua một số thực phẩm. Theo Healthline, quả bơ, súp lơ, bắp cải, cà chua, thịt bò... chứa hàm lượng nicotinamide cao nhất.

Theo nld