1.Có những nhóm thuốc hạ mỡ máu nào?
Có nhiều nhóm thuốc hạ mỡ máu:
- Nhóm statin: Gồm simvastatin, atorvastatin, rosuvastain, lovastatin, fluvastatin, pitavastatin… là các thuốc đầu tay trong điều trị bệnh mỡ máu.
- Nhóm fibrat: Gồm fenofibrat, ciprofibrat, berafibrat… cũng là thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh mỡ máu cao, có tác dụng giảm triglycerdis, LDL, tăng HDL.
- Nhóm niacin: Niacin là thuốc thuộc vitamin nhóm B (vitamin B3, vitamin PP) cũng có tác dụng tốt trong điều trị bệnh mỡ máu, thường được dùng kết hợp với thuốc nhóm statin, hoặc dùng đơn độc trong các trường hợp người bệnh không dung nạp với statin.
- Nhóm renin: Bao gồm các thuốc cholestyramin, colestipol… được chỉ định dùng phối hợp với nhóm statin hoặc không dụng nạp với statin. Tuy nhiên thuốc chống chỉ định trong trường hợp triglycerid tăng quá cao.
- Nhóm ức chế sự hấp thu cholesterol: Như ezetimibe, được dùng phối hợp với nhóm statin hoặc không dung nạp statin. Thuốc cũng không được khi triglycerid tăng cao...
Tuy vậy, nhóm statin được chỉ định phổ biến trong điều trị tăng mỡ máu.
2. Khi nào cần sử dụng statin điều trị tăng mỡ máu?
Trường hợp rối loạn lipid máu nhẹ, không mắc kèm các bệnh: Bệnh mạch vành, đái tháo đường, tăng huyết áp, không hút thuốc, thì trước khi dùng thuốc, bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn kiêng và vận động…
Sau 6 tháng thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn và luyện tập, nhưng kết quả xét nghiệm chưa giảm lipid huyết đến mức mong muốn, lúc này bác sĩ sẽ kê đơn thuốc statin hoặc thuốc phù hợp cho bệnh nhân. Việc chỉ định dùng thuốc chỉ khi tình trạng mỡ máu tăng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp…
Statin có tác dụng ức chế enzym mà cơ thể cần để sản xuất ra cholesterol hoặc giúp làm giảm các mảng bám (do cholesterol tích tụ) hình thành ở trong lòng động mạch. Từ đó có thể giúp làm giảm nguy cơ lên cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Lưu ý: Do các thuốc statin có nhiều dạng bào chế và liều dùng khác nhau nên tùy từng bệnh nhân bác sĩ sẽ kê loại statin phù hợp.
Việc kê đơn thuốc phụ thuộc vào các yếu tố như: Nồng độ cholesterol trong máu, các vấn đề bệnh lý khác kèm theo, như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường type 2, tiền sử gia đình có mắc các bệnh tim mạch, các thuốc đang dùng để tránh các tương tác thuốc...
Bệnh nhân không "mượn" đơn thuốc của người khác để dùng. Trong quá trình dùng thuốc vẫn cần duy trì nghiêm túc chế độ ăn kiêng và vận động thể lực hằng ngày để đạt được việc hạ lipid máu tốt nhất. Không được nghĩ rằng "đã có thuốc nên không cần ăn kiêng và rèn luyện nữa".
3. Bất lợi khi dùng thuốc
Đối với hầu hết các trường hợp, statin khá an toàn và không có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
Một số tác dụng phụ thường gặp bao gồm: Đau cơ, mệt mỏi, tiêu chảy hoặc táo bón…
Một số ít trường hợp có thể gặp phải tác dụng phụ nguy hiểm, đó là tiêu cơ vân. Tình trạng này là do các tế bào cơ vân bị phân huỷ, giải phóng các chất có bên trong tế bào, trong đó thải myoglobin qua đường tiểu tiện, dẫn đến chất này làm nghẽn thận dẫn đến suy thận. Dấu hiệu ban đầu của tác dụng phụ này là đau nhức cơ bắp, yếu cơ, co cơ/chuột rút (thường gặp ở cơ bắp chân, cơ lưng), sau đó nước tiểu màu đỏ đậm.
Ngoài ra, tổn thương gân gót (gân Achiless) cũng cần lưu ý khi dùng các thuốc này. Trong một nghiên cứu của Trường đại học Rouen (Pháp) ghi nhận có 2% bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ tổn thương gân gót. Trong đó gần một nửa trường hợp tổn thương gân trong vòng một năm sau khi dùng statin. Số còn lại bị tổn thương gân hơn một năm sau khi dùng thuốc.
Một số thuốc nếu dùng cùng statin có thể tương tác và làm tăng nguy cơ tác dụng phụ gồm: Amiodarone, clarithromycin, cyclosporine, itraconazole, gemfibrozil, saquinavir, ritonavir... Một số vitamin, thảo dược hoặc các chế phẩm bổ sung cũng có thể tương tác với statin.
Để hạn chế tác dụng phụ, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ về các thuốc đang dùng để bác sĩ tránh được các tương tác bất lợi của thuốc.
Khi tác gặp phải dụng phụ nguy hiểm, cần ngừng statin và thông báo ngay với bác sĩ để được xử trí thích hợp.
4.Nên uống thuốc vào thời điểm nào?
Một điều quan trọng khi dùng statin đó là uống thuốc đúng thời điểm, vừa làm giảm tác dụng phụ và giúp hiệu quả của thuốc tối đa.
Một số thuốc statin có hiệu quả tốt nhất khi uống vào buổi tối, nhưng một thuốc cũng có hiệu quả tương tự khi dùng vào buổi sáng. Do vậy thời điểm tốt nhất để uống các thuốc trị mỡ máu phụ thuộc vào từng loại thuốc cụ thể.
- Các statin tác dụng ngắn, có thời gian bán thải là 6 giờ, chỉ định cho bệnh nhân có ít các vấn đề về tim mạch, sẽ làm giảm cholesterol hiệu quả nhất khi được uống vào buổi tối. Do đó, các statin này được chỉ định dùng trước khi đi ngủ để đạt nồng độ thuốc cao nhất khi cơ thể tổng hợp cholesterol nội sinh mạnh nhất và thuốc mang lại hiệu quả giảm cholesterol tốt nhất.
- Các statin tác dụng dài, có thời gian bán thải lên tới 19 giờ, có hiệu quả hạ cholesterol tương đương khi được uống vào buổi sáng hoặc buổi tối. Statin tác dụng dài thường được chỉ định cho các bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch.
Bệnh nhân đang được điều trị với các statin tác dụng dài có thể tự chọn thời điểm uống thuốc trong ngày cho thuận tiện và không bị quên thuốc. Quan trọng nhất là nên duy trì việc dùng thuốc vào một thời điểm cố định trong ngày, nhằm duy trì nồng độ thuốc ổn định trong máu...
Theo suckhoedoisong.vn