1. Khi nào dùng thuốc kháng histamine H1 trị viêm phế quản?
Ngoài nguyên nhân virus và vi khuẩn, viêm phế quản cũng có thể do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng (còn gọi là viêm phế quản dị ứng hay viêm phế quản mạn tính).
Các yếu tố kích hoạt viêm phế quản dị ứng phổ biến bao gồm:
- Khói thuốc lá.
- Ô nhiễm không khí phấn hoa.
- Bụi khói hóa chất...
Các tác nhân này xâm nhập vào cơ thể gây viêm đường dẫn khí. Histamine là một chất hóa học mà hệ thống miễn dịch tiết ra khi tiếp xúc với chất gây dị ứng và gây ra các triệu chứng như chảy nước mũi hoặc ngứa mắt, đau họng, ho…
Trong trường hợp này có thể dùng thuốc kháng histamine H1 để giảm phản ứng dị ứng do viêm phế quản dị ứng.
2. Các thuốc kháng histamin H1 thường dùng
Một số thuốc kháng histamin H1 thường dùng trong điều trị viêm phế quản dị ứng như:
- Chlorpheniramine, diphenhydramine... : Đây là các thuốc kháng histamine H1 thế hệ 1. Thuốc nhanh chóng giúp kiểm soát triệu chứng kích ứng, ho... trong viêm phế quản dị ứng. Tuy nhiên, nhược điểm của thuốc là qua được hàng rào máu não, gây ức chế hệ thần kinh trung ương ngay ở liều điều trị, làm chậm chạp, mơ màng, giảm sự tỉnh táo, buồn ngủ. Do đó, không nên dùng các thuốc này vào ban ngày, hoặc nếu dùng nên nằm nghỉ ngơi, không nên làm những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo như lái xe, vận hành máy móc... Các thuốc này thường được ưu tiên dùng vào ban đêm, trước khi đi ngủ.
- Loratadine, cetirzin, fexofenadine...: Là những thuốc kháng histamine H1 thế hệ 2 (mới hơn), khó qua hàng rào máu - não, nên không hoặc hạn chế gây buồn ngủ so với kháng histamine thế hệ 1. Do đó, có thể dùng vào ban ngày. Tuy nhiên, các thuốc này lại có tác dụng phụ trên tim mạch như tim đập nhanh, đánh trống ngực... cần lưu ý.
3. Lưu ý khi dùng thuốc kháng histamine điều trị viêm phế quản
- Thuốc kháng histamine chỉ giúp điều trị triệu chứng dị ứng (ho, ngứa họng...), chứ không điều trị được nguyên nhân, nên không giúp bệnh nhân khỏi bệnh được hoàn toàn. Do vậy, điều quan trọng là phải tìm ra và loại trừ các tác nhân gây dị ứng (mỹ phẩm, bụi, thời tiết, thức ăn...), mới có thể trị được bệnh.
- Trường hợp bị viêm phế quản cấp tính, nên tránh dùng thuốc kháng histamine vì chúng có thể làm khô dịch tiết và làm cho cơn ho trở nên tồi tệ hơn.
- Tất cả các thuốc kháng histamine H1 đều có tác dụng phụ nên phải dùng đúng liều lượng và thời gian, theo chỉ định của bác sĩ, không nên lạm dụng thuốc, đặc biệt chú ý ở các đối tượng người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em.
- Không uống rượu trong khi dùng thuốc nói chung và thuốc kháng histamine nói riêng, vì làm tăng tác dụng an thần của thuốc.
- Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc, phát hiện những bất thường trong quá trình sử dụng, thông báo cho bác sĩ biết để được xử trí đúng, kịp thời.
4. Phòng ngừa viêm phế quản dị ứng
Để phòng ngừa viêm phế quản dị ứng, cần hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng như:
- Không hút thuốc hoặc bỏ hút thuốc.
- Ở trong khu vực thông gió tốt nếu làm việc với hóa chất.
- Đeo khẩu trang bất cứ khi nào bạn tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng đã biết.
- Tiêm phòng dị ứng...
Theo suckhoedoisong.vn