leftcenterrightdel
 Muốn giảm mỡ nội tạng nên giảm dần lượng tinh bột có nhiều trong gạo trắng để chuyển sang nạp tinh bột hấp thụ chậm từ gạo lứt. (Nguồn: Adobe Stock)

Theo bác sĩ, người gầy cũng có thể tích mỡ nội tạng. Đây là lớp mỡ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Để giảm mỡ nội tạng, bạn cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản gồm kiểm soát lượng đường nạp vào, tăng chất xơ hòa tan và nạp đủ protein.

Giảm lượng đường nạp vào

Nghiên cứu thực hiện trên 76 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 2 cho thấy, chỉ cần tuân thủ chế độ ăn giảm đường trong 3 tháng, những người này giảm đáng kể trọng lượng cơ thể, chỉ số BMI, lượng đường trong máu, huyết sắc tố glycated, lipid máu và mỡ nội tạng.

Bác sĩ Li Tangyue lưu ý, cần kiểm soát lượng đường tinh luyện và lượng tinh bột tinh chế nạp vào hằng ngày. Mới đầu, bạn có thể giảm 10-15% lượng đường nạp vào để giảm mỡ ở gan và dạ dày.

Sau đó, nên giảm dần lượng tinh bột tinh chế có nhiều trong gạo trắng, bún, phở, bánh mì... chuyển sang nạp tinh bột hấp thụ chậm từ gạo lứt, khoai lang... và ăn chậm, nhai kỹ để giảm lượng đường nạp vào hằng ngày.

Tăng cường chất xơ hòa tan

Nghiên cứu chỉ ra tăng 10g chất xơ hòa tan trong mỗi bữa ăn giúp giảm lượng mỡ nội tạng tích tụ lên đến 3,7%. Bác sĩ Li Tangyue cho biết, các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như rau, nấm... giúp giảm hấp thụ cholesterol, từ đó, giảm tích tụ mỡ nội tạng.

Chế độ ăn lý tưởng để giảm mỡ nội tạng cần 40% khẩu phần ăn mỗi bữa là chất xơ hòa tan.

Nạp đủ protein

Thiếu protein gây tăng cân và tăng lượng mỡ nội tạng. Bác sĩ Li Tangyue khuyến khích nạp protein từ trứng, thịt ức gà, thịt lợn nạc, các loại đậu, nấm, các loại hạt... để tăng cường trao đổi chất, tăng hình thành cơ bắp, thúc đẩy hiệu quả giảm cân và giảm mỡ nội tạng.

Lượng protein được khuyến nghị dùng hằng ngày đối với người trưởng thành là 0,8g/kg trọng lượng cơ thể; tương đương 56g đối với đàn ông 70kg và 46g đối với phụ nữ 57kg.

Theo baoquocte