1. Cơ chế gây ra gan nhiễm mỡ
Có 4 cơ chế gây ra sự tích tụ mỡ trong tế bào gan:
- Do chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ hoặc acid béo, đặc biệt là mỡ động vật quá bão hòa.
- Do sự tăng tổng hợp acid béo ở ty lạp thể hoặc giảm quá trình oxy hóa mỡ trong tế bào gan.
- Do sự giảm bài xuất mỡ ra khỏi tế bào gan.
- Do tăng vận chuyển thức ăn nguồn gốc tinh bột (carbohydrat) đến gan quá nhiều. Trong đó nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ được nhắc đến nhiều nhất đó là rượu, có đến 90% người uống rượu nhiều sẽ bị gan nhiễm mỡ rồi dẫn đến xơ gan.
Có rất nhiều bệnh gây gan nhiễm mỡ: Béo phì, đái tháo đường, viêm gan do virus, bệnh biến dưỡng, bệnh lý dinh dưỡng, đặc biệt là do dùng thuốc không đúng cách.
Hầu hết các thuốc chủ yếu được chuyển hóa qua gan, do đó vấn đề lạm dụng hoặc sử dụng thuốc không đúng cách đều có thể gây hại cho gan. Trong đó một số thuốc có thể gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ...
2. Các thuốc gây gan nhiễm mỡ, cách hạn chế?
2.1 Thuốc chống viêm corticoid (corticosteroid, glucocorticosteroid)
Các thuốc này được sử dụng trong điều trị rất nhiều bệnh lý: Hen suyễn, bệnh tự miễn viêm khớp, lupus, dị ứng, bệnh ngoài da…
Trong cơ thể corticoid tự nhiên được sản xuất ở vỏ tuyến thượng thận. Corticoid có tác động tới hầu hết các tế bào thông qua quá trình chuyển hóa carbohydrate, protein và chất béo. Bình thường, cơ thể có cơ chế tuyệt vời là luôn sản xuất corticoid ở ngưỡng vừa đủ đáp ứng nhu cầu sinh lý cho các tế bào. Khi lượng corticoid vừa đủ sẽ giúp cơ thể duy trì cân bằng nội môi, làm tăng sức chống đỡ của cơ thể với stress và duy trì các chức năng khác.
Tuy nhiên, không ít bệnh nhân cần sử dụng corticoid tổng hợp để điều trị bệnh. Mặc dù corticoid tổng hợp được tổng hợp theo cấu trúc và chức năng của corticoid tự nhiên, nhưng khi sử dụng lại gây ra khá nhiều tác dụng phụ không mong muốn, trong đó có gây gan nhiễm mỡ. Tác động này ảnh hưởng chủ yếu ở trẻ em.
Tình trạng này do cơ chế của corticoid tăng giải phóng acid béo từ các mô mỡ. Mặc dù tác dụng này có thể hồi phục nếu ngưng sử dụng thuốc, nhưng việc ngưng thuốc đột ngột lại gây ra tác hại khôn lường khác. Do đó dù tình trạng gan nhiễm mỡ có xảy ra, thì cũng cần ngưng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
2.2. Thuốc trị rối loạn nhịp tim - amiodarone
Là một thuốc chữa loạn nhịp hiệu quả trong việc phòng và điều trị các rối loạn nhịp thất và trên thất, thuốc còn được sử dụng điều trị duy trì cho bệnh nhân sau ngừng tim do nhịp nhanh thất kéo dài; bệnh nhân có rối loạn nhịp thất sau nhồi máu cơ tim…
Như vậy, thuốc cũng được sử dụng khá phổ biến trong nhóm bệnh nhân tim mạch. Tuy nhiên, thuốc có cũng các tác dụng phụ nghiêm trọng lên các cơ quan: Tiêu hóa, tuyến giáp, phổi, thị lực, da, gan…
Khoảng 0,6% bệnh nhân điều trị amiodaron dài hạn bị nhiễm độc gan với biểu hiện tăng men gan. Dùng thuốc kéo dài có thể gây ra gan nhiễm mỡ giọt lớn và những biến đổi bệnh lý gần giống như viêm gan do rượu.
Bệnh nhân bị nhiễm độc gan, gan nhiễm mỡ giai đoạn đầu ít khi có triệu chứng. Do đó khi có chỉ định dùng thuốc này cần đi khám định kỳ đúng lịch hẹn. Nếu tình trạng men gan cao hơn bình thường 3 lần, nên ngưng amiodaron và dùng thuốc chống loạn nhịp khác. Trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao tái phát các rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng và không dùng được thuốc khác, bác sĩ có thể cân nhắc cho dùng tiếp thuốc cùng các biện pháp khác để bảo vệ gan.
2.3. Thuốc chống co giật - acid valproic
Acid valproic là một thuốc được sử dụng để chống co giật, giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực. Thuốc cũng có thể được chỉ định ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.
Một số bất lợi có thể gặp như: Tiêu chảy, chóng mặt, buồn ngủ, rụng tóc, mờ/nhìn đôi, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, ù tai, run, thay đổi cân nặng…
Gan nhiễm mỡ là tác dụng phụ ít gặp,nhưng nếu gặp phải tác dụng phụ này là tình trạng gan nhiễm mỡ dạng giọt nhỏ, thường kết hợp với hoại tử gan, đặc biệt là ở trẻ em. Những bất thường ở gan có thể xảy ra từ sau 2-4 tháng sử dụng thuốc.
Để làm giảm các tác dụng phụ của thuốc, nên uống thuốc cùng hoặc sau bữa ăn. Nếu bị tiêu chảy cần bổ sung nước. Khi tình trạng mất nước nhiều thì cần thông báo với bác sĩ. Các tình trạng bị run, rối loạn tâm thần… cần cho bác sĩ biết để thay đổi liều điều trị hoặc thời điểm uống thuốc. Cần đi khám bệnh đúng lịch hẹn để được phát hiện gan nhiễm mỡ và những bất thường khác khi dùng thuốc.
Ngoài các thuốc điển hình trên, còn rất nhiều thuốc khác có thể gây nhiễm mỡ ở gan như: Methotrexat (thuốc ức chế miễn dịch dùng trong điều trị ung thư); một số thuốc nội tiết: Estrogen (thường dùng trong ngừa thai), tamoxiphen (liệu pháp hormone dùng để điều trị ung thư vú ở cả phụ nữ và nam giới), hormone giáp thay thế; thuốc chẹn kênh calci chống đau thắt ngực perhexiline, nifedipin; thuốc kháng virus, kháng sinh tetracycline dùng liều cao…
Các thuốc trên đây hầu hết đều là thuốc kê đơn, có thể phải dùng lâu dài. Các tác dụng phụ trên gan thường ít triệu chứng ở giai đoạn đầu. Do đó để tránh hậu quả, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà cần đi khám bệnh, làm các xét nghiệm định kỳ để được đánh giá đáp ứng thuốc cũng như các tác dụng phụ do thuốc gây ra. |
Theo suckhoedoisong.vn