leftcenterrightdel
 

Dưới đây là những nguyên nhân có thể khiến da đầu nổi cục cứng mà bạn có thể tham khảo, tùy từng tình trạng mà phương pháp điều trị cũng có sự khác biệt.

1. Mụn da đầu

Tương tự như các vùng da khác thì da đầu cũng có thể mọc mụn, đó có thể là các nốt mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen hay da đầu nổi cục cứng với triệu chứng ngứa, đau và ấn vào thấy mềm hay cứng tùy loại mụn.

Mụn ở da đầu xảy ra khi lỗ chân lông hoặc nang lông ở đầu bị tắc nghẽn do các tế bào da chết hoặc dầu thừa trên da. Người thường xuyên đội mũ hoặc vệ sinh kém sạch sẽ sau tập thể dục, thường xuyên sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc nhưng không gội sạch cũng dễ bị mụn ở da đầu hơn.

leftcenterrightdel
 Mụn trứng cá có thể hình thành trên da đầu (Ảnh: Internet)

Đối phó:

Nếu mụn ở da đầu mọc thường xuyên, hãy xem xét tới việc gội đầu kỹ hơn và đổi các sản phẩm chăm sóc da đầu chuyên dụng mà không chứa thành phần gây dị ứng.

2. Viêm nang lông da đầu

Viêm nang lông cũng có thể khiến một người bị nổi cục cứng ở da dầu, đôi khi gây viêm, ngứa và sưng tấy; chúng rất dễ bị nhầm lẫn với mụn trứng cá ở da đầu.

Viêm nang lông được chia thành hai loại do sinh lý và do bệnh lý. Các bệnh lý gây viêm nang lông da đầu thường liên quan tới các tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm nấm,... chủ yếu phát triển mạnh mẽ do đổ mồ hôi hoặc đổ dầu da đầu và vệ sinh da đầu kém.

Trong giai đoạn đầu của bệnh viêm nang lông, trên nang lông của da đầu sẽ xuất hiện các nốt mụn sẩn đỏ, kèm theo cảm giác ngứa. Nếu không được kiểm soát sớm có thể nhanh chóng sinh mủ, vỡ ra gây đau đớn và nhiễm trùng da nặng hơn.

leftcenterrightdel
Viêm nang lông cũng có thể khiến một người bị nổi cục cứng ở da dầu hoặc các mảng ngứa (Ảnh: Internet) 

Đối phó:

Để giảm đau và giúp vùng da bị viêm nang lông khiến da đầu nổi cục cứng nhanh lành, bạn có thể chườm ấm lên vùng viêm từ 3 - 4 lần mỗi ngày và 20 phút mỗi lần. Thăm khám bác sĩ nếu tình trạng viêm nang lông không giảm bớt, kháng sinh có thể được sử dụng nếu nguyên nhân là do nấm hay vi khuẩn.

3. Viêm da tiết bã da đầu

Viêm da tiết bã là một thể của bệnh chàm da đầu, một tình trạng mãn tính và dễ dàng tái phát. Có nhiều nguyên nhân gây viêm da tiết bã, ví dụ nam giới có nhiều nội tiết tố androgen và tiết dầu mạnh, có thể gây viêm da tiết bã. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều dầu mỡ lâu ngày, nghiện rượu, thức khuya, căng thẳng thường xuyên cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc xuất hiện bệnh viêm da tiết bã.

Viêm da tiết bã thường biểu hiện dưới dạng ban đỏ và mụn sẩn nhỏ trên da đầu, đóng vảy trắng xám, ngứa ngáy rõ rệt. Trong trường hợp nghiêm trọng, da đầu có thể bị rỉ dịch và có mùi hôi. Nếu không được kiểm soát, bệnh có thể dẫn tới rụng tóc hoặc nhiễm trùng.

leftcenterrightdel
 Tùy từng tình trạng khiến da đầu nổi cục là gì mà điều trị sẽ có sự khác biệt (Ảnh: Internet)

Đối phó:

Tùy từng mức độ nặng hay nhẹ của tình trạng viêm da tiết bã ở da đầu mà các điều trị có thể bao gồm dầu gội, kem bôi hoặc thuốc mỡ bôi có chứa thuốc nhằm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh.

4. U nang lông da đầu (u nang bã nhờn, nang pilar)

U nang lông (pilar cyst) phát sinh từ 1/3 giữa (cổ) của ống nang lông, xảy ra thường xuyên nhất trên da đầu. Đây là một khối u mềm, chứa đầy dịch keratin, loại protein có trong tóc và móng.

Các u nang này thường có kích thước lớn vừa phải, bề mặt nhẵn. Loại u này thường phát triển chậm và không gây đau nhưng đôi khi có thể sưng lên và gây đau đớn, thậm chí có thể rỉ ra dịch đặc và có mùi hôi.

leftcenterrightdel
U nang lông là là một khối u mềm, chứa đầy dịch keratin, loại protein có trong tóc và móng (Ảnh: Internet) 

Đối phó:

U nang lông da đầu vô hại và thường tự biến mất. Nếu nó gây ra khó chịu, bạn có thể thăm khám bác sĩ để được điều trị bằng cách tiêm steroid giảm viêm, dẫn lưu hoặc loại bỏ u này.

5. Ung thư da đầu

Mặc dù không phổ biến nhưng ung thư da đầu vẫn có thể xảy ra khi tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời, các kích ứng mãn tính hay bạch sản. Nếu mắc, bệnh ung thư da đầu dễ phát triển nhanh, di căn não và có nguy cơ tử vong cao.

Ung thư da đầu có triệu chứng dưới dạng các nốt sẩn, nốt sần hoặc mụn giống mụn cóc kèm theo vảy. Da đầu đặc biệt nhiều gàu, nhất là loại gàu nhớt, gàu ướt hoặc những loại bã nhờn khác trên tóc. Lượng tóc cũng rụng nhiều hơn mỗi ngày. Người bệnh thường xuyên bị ngứa ngáy khắp cả đầu và mang theo cảm giác khó chịu ở da đầu kể cả khi đã gội đầu sạch sẽ.

Khi khối u phát triển nhanh, các nốt mụn ban đầu sẽ loét sùi (như súp lơ) theo bề mặt nông, xâm lấn vào xương sọ dẫn tới biến dạng và bội nhiễm.

leftcenterrightdel
Thận trọng với những cục cứng trên đầu gây đau, tái đi tái lại nhiều lần và có thể lở loét như súp lơ (Ảnh: Internet) 

6. Mề đay

Mề đay hay còn gọi là mày đay là một dạng phát ban gây sưng tấy, da đầu nổi cục cứng và ngứa ngáy. Mề đay có thể xảy ra ở da đầu hay bất cứ bộ phận nào của cơ thể.

Đối phó:

Mề đay thường tự biến mất trong vài giờ hoặc vài ngày. Tùy từng tình trạng mà bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng thêm thuốc kháng histamine hoặc cortiseteroid để giảm nhẹ triệu chứng ngứa ngáy khó chịu.

7. Nấm da đầu

Khi da đầu bị nhiễm nấm có thể gây ra các cục cứng, ngứa ngáy, viêm bong tróc da đầu và rụng tóc. Viêm da đầu do nấm thường phổ biến hơn ở trẻ em và người cao tuổi hơn so với người trưởng thành trẻ tuổi.

Đối phó:

Các loại thuốc chống nấm đường uống có thể được sử dụng trong khoảng 1 - 3 tháng để điều trị và ngăn chặn nấm tái phát.

Nhìn chung thì hầu hết các tình trạng khiến da đầu nổi cục cứng như mụn thường lành tính. Nếu các cục cứng sưng tấy thường xuyên và không biến mất sau khi điều trị bằng chườm ấm hay đổi dầu gội, thuốc không kê đơn thì bạn cần xem xét tới việc thăm khám với bác sĩ da liễu càng sớm càng tốt để loại bỏ rủi ro bị ung thư da đầu hoặc các tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng khác.

Muốn da đầu khỏe mạnh, bạn cần chú ý đến 3 điểm sau:

1. Không dùng tay gãi da đầu

Không nên dùng tay để gãi hay cào da đầu, đặc biệt là mới những người có móng tay sắc. Việc gãi da đầu thường xuyên làm tăng rủi ro viêm nhiễm khi da đầu bị xước, tăng nguy cơ viêm nang lông, ngứa, tăng tiết dầu và trầm trọng các triệu chứng bệnh khác sẵn có.

2. Chú ý tới tần suất gội đầu và nhiệt độ nước gội đầu

Nên gội đầu khoảng 2 - 3 ngày một lần tùy thuộc vào lượng dầu trên tóc của mình. Tránh gội đầu quá thường xuyên khiến da dầu mất đi lượng dầu tự nhiên và gây khô tóc.

Khi gội đầu cũng không nên sử dụng nước quá cao hoặc quá thấp. Nếu nhiệt độ nước quá cao có thể gây hỏng tóc, còn nhiệt độ nước quá lạnh lại dễ gây cảm lạnh.

3. Hạn chế sử dụng các sản phẩm uốn, nhuộm tóc hóa học

Việc thường xuyên uốn, nhuộm tóc từ lâu đã được cảnh báo bởi các rủi ro tổn hại cho da đầu, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư nếu sử dụng các loại thuốc uốn, nhuộm tóc không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là khi bạn sử dụng với tần suất thường xuyên.

Châu Anh