Thạc sĩ - bác sĩ Kiều Xuân Thy, Phó trưởng cơ sở 3 - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khi mùa lạnh đến, nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp như cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản hay các bệnh về xương khớp tăng cao do nhiệt độ thấp và độ ẩm không khí thay đổi. Do đó, bên cạnh chế độ ăn uống đa dạng cân bằng thì việc duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe.

Dưới đây là chia sẻ của chuyên gia y học cổ truyền về một số biện pháp sinh hoạt phù hợp trong mùa lạnh, giúp giữ ấm và duy trì sức khỏe.

Giữ ấm cơ thể đúng cách: Chú trọng giữ ấm cổ, lưng và bàn chân vì các vị trí này dễ nhiễm lạnh, làm suy giảm dương khí. Cần mặc đủ ấm và tránh để cơ thể nhiễm lạnh đột ngột, đặc biệt sau khi vận động hoặc tắm.
Mùa lạnh: Thay đổi thói quen sinh hoạt thế nào để tăng cường sức khỏe?- Ảnh 1.

Chú trọng giữ ấm cổ, lưng và bàn chân vì các vị trí này dễ nhiễm lạnh, làm suy giảm dương khí. ẢNH: LÊ CẦM

Điều chỉnh thời gian sinh hoạt và nghỉ ngơi: Y học cổ truyền nhấn mạnh "Thu tàng" - tức là tích lũy năng lượng trong mùa lạnh. Nên đi ngủ sớm, dậy muộn giúp cơ thể hồi phục và tránh tiêu hao khí huyết vào sáng sớm khi dương khí còn yếu.

Thực hành bài tập nhẹ nhàng: Khí công và thái cực quyền là các bài tập giúp tăng cường khí huyết, giảm căng thẳng và cải thiện hệ miễn dịch, lưu thông khí huyết và giữ ấm cơ thể từ bên trong.

Tránh sử dụng đồ uống lạnh và thức ăn sống: Mùa lạnh, cơ thể dễ tổn thương dương khí, do đó cần tránh thực phẩm lạnh, sống để bảo vệ tỳ vị, duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Mùa lạnh: Thay đổi thói quen sinh hoạt thế nào để tăng cường sức khỏe?- Ảnh 2.

Tránh ăn đồ lạnh để bảo vệ tỳ vị. ẢNH: LÊ CẦM

Duy trì độ ẩm không khí trong nhà: Không khí khô dễ gây viêm họng và ho. Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc đặt một chậu nước sạch trong phòng sẽ bảo vệ đường hô hấp, giúp giữ ấm và dưỡng phổi.

Xoa bóp và chườm nóng: Xoa bóp bàn chân, cổ tay, cổ chân trước khi ngủ giúp làm ấm kinh lạc, lưu thông khí huyết. Chườm nóng bụng dưới và lưng để bảo vệ thận khí và giữ ấm cơ thể.

Tắm nước ấm và xông hơi: Tắm nước ấm và xông hơi với tinh dầu gừng, sả, quế giúp lưu thông khí huyết, kích thích hệ miễn dịch và loại bỏ hàn tà. Chú ý nên tắm trước khi xông hơi. Xông hơi đủ thời gian khuyến cáo từ 15 - 20 phút. Sau xông hơi phải uống bù nước, tránh tiếp xúc gió lạnh, lau khô người, trong lúc xông cần cẩn trọng tránh bị bỏng.

"Mùa lạnh là thời điểm nhạy cảm, dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công. Việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung các thực phẩm giàu dưỡng chất và có tác dụng giữ ấm, kết hợp với các biện pháp sinh hoạt phù hợp giúp mỗi người nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật hiệu quả. Hãy chăm sóc bản thân từ những thói quen đơn giản nhất để bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh", bác sĩ Xuân Thy khuyến cáo.

 Các lưu ý phòng bệnh đường hô hấp

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo người dân tuân thủ 7 nguyên tắc để phòng bệnh đường hô hấp:

  1. Giữ khoảng cách an toàn với những người bị cảm lạnh, cúm hoặc ho.
  2. Rửa tay bằng xà phòng đúng cách để loại bỏ vi khuẩn và vi rút trên da. Bên cạnh đó, bạn cũng cần hướng dẫn trẻ em rửa tay theo các bước đúng cách để phòng bệnh.
  3. Khi một thành viên trong gia đình bị bệnh về đường hô hấp, bạn hãy thường xuyên lau chùi nhà cửa, nhà bếp và phòng tắm bằng chất khử trùng.
  4. Uống đủ nước mỗi ngày để giữ cho cơ thể đủ nước, đảm bảo cho quá trình trao đổi chất hoạt động hiệu quả, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh trong đó có các bệnh về đường hô hấp.
  5. Để giảm bớt căng thẳng, bạn có thể tập thể dục thường xuyên, ngồi thiền, hít thở sâu hoặc thử các kỹ thuật thư giãn cơ bắp như đấm bóp, massage... Cố gắng ngủ từ 7-9 tiếng mỗi ngày để giữ cơ thể khỏe mạnh.
  6. Giấc ngủ có vai trò rất lớn đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể.
  7. Bạn có thể cân nhắc bổ sung kẽm, vitamin C và men vi sinh trong mùa lạnh để ngăn ngừa bệnh tật. Đây là những vi chất cần thiết đối với hệ miễn dịch để giúp cơ thể phòng chống bệnh tật.

Theo Thanh niên