Viêm mũi xoang do đâu và biểu hiện như thế nào?

Viêm mũi xoang hay còn gọi là viêm xoang mũi là bệnh rất phổ biến, do nhiều nguyên nhân khác nhau như virus, vi khuẩn, vi nấm, dị ứng và có liên quan đến môi trường ô nhiễm, khói bụi. Tùy theo nguyên nhân mà người bệnh viêm mũi xoang có các biểu hiện khác nhau.

+ Viêm mũi xoang do dị ứng

Có thể gặp dị ứng theo mùa hoặc dị ứng quanh năm, nhất là ở các thời kỳ chuyển tiếp giữa các mùa. Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu viêm mũi xoang dị ứng theo mùa là do cơ thể phản ứng với phấn hoa, cây cỏ tùy theo mùa. Khi đó người bệnh có các triệu chứng bao gồm nhảy mũi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, ngứa mắt, chảy nước mắt... Thường gặp ở người 20 - 40 tuổi. Điều quan trọng viêm mũi xoang dị ứng có thể là giai đoạn khởi phát của cơn hen phế quản.

Trường hợp viêm mũi xoang do dị ứng quanh năm với các dị ứng nguyên, bao gồm bụi nhà, vi nấm, lông chó mèo. Khi đó người bệnh có biểu hiện của bệnh xảy ra quanh năm. Nếu trường hợp viêm mũi xoang do vận mạch thì người bệnh có biểu hiện nghẹt mũi, sổ mũi khi có thay đổi về nhiệt độ hoặc độ ẩm trong không khí, khi bệnh nhân hít phải khói bụi, các hóa chất bay hơi hoặc khi có stress tâm lý.

+ Viêm mũi xoang do nhiễm khuẩn

Với thể này, bệnh xảy ra do cảm lạnh, nhiễm siêu vi kèm biến chứng nhiễm khuẩn mũi xoang kéo dài hơn 6 tuần. Người bệnh có biểu hiện đau rát họng, ho, nhảy mũi, sổ mũi, sau đó là sốt, mệt mỏi, nhức đầu và nước mũi đặc có mủ vàng xanh, hôi.

Mùa mưa bị viêm mũi, viêm xoang tái phát cần phải làm gì? - Ảnh 2.

Viêm mũi xoang hay còn gọi là viêm xoang mũi là bệnh rất phổ biến.

+ Viêm mũi mạn tính do lạm dụng thuốc

Ở thể này là do người bệnh mắc viêm mũi lạm dụng thuốc nhỏ mũi lâu ngày hoặc nghiện hít bột ma tuý. Với các biểu hiện là nghẹt mũi liên tục ở bất kỳ tư thế nào và dịch tiết chảy từ mũi xuống họng.

+ Ngoài ra, viêm mũi xoang còn do vẹo vách ngăn, do polyp mũi hoặc VA (sùi vòm họng) phì đại thường biểu hiện bằng nghẹt mũi một bên mạn tính. Viêm mũi do nội tiết hay gặp ở thai phụ và trong bệnh suy tuyến giáp.

Viêm mũi xoang còn có thể do một nguyên nhân đặc hiệu như: Viêm mũi xoang do nấm. Theo nghiên cứu, viêm xoang do nấm chiếm khoảng 10% trong tổng số các dạng viêm xoang. Người ta ghi nhận tỷ lệ bệnh viêm xoang do nấm tăng lên trong hai thập kỷ gần đây. Với các tiến bộ trong chẩn đoán hình ảnh, những phát triển về kỹ thuật vi sinh… các bác sĩ có thể phát hiện và định danh các chủng vi nấm gây bệnh một cách chính xác và tổn thương xoang.

Mùa mưa người cơ địa dị ứng cần làm gì?

Nguyên nhân mùa mưa gây dị ứng nhiều nhất là nấm mốc, vì chúng phát triển rất tốt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Khi đó, độ ẩm có đôi lúc lên đến 90% và tất nhiên nấm mốc sẽ phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Ở nước ta, một loại dị ứng nguyên phát triển tốt trong mùa mưa là mạt nhà.

Trên thực tế chúng ta thấy, nấm mốc có thể phát triển mọi nơi như: Trên tường, trong tủ, bàn ghế gỗ, chăn nệm... Và tương tự, mạt nhà luôn trú ẩn ở những nơi có thể tiếp xúc với mảnh biểu bì của cơ thể, vì đó là nguồn dinh dưỡng của chúng. Mạt nhà thường trốn trong chăn, nệm, gối, chui ra vào ban đêm khi có người ngủ và trốn đi vào ban ngày khi không có nguồn thức ăn và nước.

Chính vì vậy, đối với người có cơ địa dị ứng hít phải các dị ứng nguyên lơ lửng trong không khí, hay trong chăn gối nệm, sẽ có các triệu chứng của bệnh.

Mùa mưa bị viêm mũi, viêm xoang tái phát cần phải làm gì? - Ảnh 3.

Với những người có cơ địa dị ứng viêm mũi, viêm xoang thường lo lắng khi mùa mưa lại đến.

Viêm mũi xoang dị ứng có phòng ngừa được không?

Câu hỏi đặt ra cho rất nhiều người viêm mũi xoang dị ứng, vậy tôi làm gì để phòng ngừa căn bệnh này.

Trên thực tế, để phòng ngừa được viêm mũi xoang bằng cách tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm, các nguyên nhân gây dị ứng... Tuy nhiên, rất khó phòng tránh nguyên nhân này.

Vậy để hạn chế tối đa, người có cơ địa dị ứng cần thực hiện nguyên tắc sau:

- Để giảm thiểu mạt nhà, chăn, ra, gối, bao gối... nên giặt bằng nước sôi và phơi lúc trời nắng gắt. Nếu mùa mưa có thể giặt bình thường rồi ủi (là) ở nhiệt độ cao thật kỹ, cũng giúp tiêu diệt mạt nhà.

- Người bệnh nên đeo khẩu trang y tế (loại có nẹp nhôm bẻ lại che kín mũi). Phòng làm việc, phòng ngủ phải thoáng mát, đủ ánh sáng và nên mở cửa sổ thường xuyên thông thoáng với không khí ngoài trời. Nếu có điều kiện dùng các loại máy lọc bụi đặt trong phòng.

- Nên vệ sinh nơi ở sạch sẽ, dùng gối đệm bằng chất liệu tổng hợp, gối nệm chăn chiếu cần phơi nắng thường xuyên, hạn chế dùng thảm trải nhà. Không nên nuôi súc vật trong nhà như chó, mèo, bọ, chim kiểng, không hút thuốc lá.

- Một điều lưu ý với các gia đình có người bị viêm mũi, viêm xoang, hay hen suyễn, là tránh sử dụng các chất gây mùi trong nhà (nước hoa, xịt phòng), và các loại nước giặt, xả vải có mùi mạnh, vì đó là nguyên nhân kích thích đường thở gây các triệu chứng giống như hít phải dị ứng nguyên.

Bởi kết quả điều trị rất hạn chế, việc cần tránh mọi tác nhân có thể gây viêm mũi dị ứng phòng bệnh trở thành biện pháp tốt nhất. Nếu thấy mũi nghẹt, ngứa, tiết dịch và nhảy mũi thì nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng, tuyệt đối không nên tự mua thuốc uống nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.

Theo suckhoedoisong.vn