Bác sĩ CKI Dương Phương Chi, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết mụn cóc, hay còn gọi là mụn hạt cơm, bản chất là những bệnh lý tăng sinh lành tính của tế bào biểu bì. Mụn mọc ở trên da là mụn cóc thông thường còn nếu mụn xuất hiện ở niêm mạc thì được gọi là mụn cóc sinh dục.

Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ khi tiếp xúc với cóc thì mới bị mọc mụn cóc. Tuy nhiên, bác sĩ Phương Chi cho hay, mụn cóc là nốt gồ trên da và sần sùi giống da cóc. Thực tế, mụn cóc không phải do chạm vào da cóc mới mắc.

Thủ phạm gây ra mụn cóc là chủng virus papillomavirus ở người (HPV). Hiện nay, người ta xác định có khoảng hơn 150 chủng HPV và chúng có thể xâm nhập vào cơ thể của con người thông qua vết thương hở hoặc vết trầy ở trên da bằng cách tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc tiếp xúc gián tiếp giữa người với động vật xung quanh.

Mụn có nhảy từ người này sang người khác và nguy hiểm không? - Ảnh 1.

Mụn cóc (ảnh minh họa)

Rất nhiều người lo sợ mụn cóc do virus gây ra có thể biến đổi thành ác tính, tuy nhiên bác sĩ Phương Chi cho biết, bản chất của mụn cóc là bệnh lý lành tính. Có khoảng 20 – 25% trường hợp mụn cóc tự biến mất trong vòng từ 6 tháng đến 2 năm, gần như không gây triệu chứng nguy hiểm nào.

Mụn cóc có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, có một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc mụn cóc, chẳng hạn như:

- Trẻ em: Do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh, trẻ em lại thường hoạt động nhiều, chạy nhảy dễ bị xước da. Những vết xước trở thành cửa ngõ để virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.

- Người bị suy giảm miễn dịch, ví dụ: người trên 60 tuổi, người có bệnh lý nội khoa, người cao tuổi.

Thực tế, điều trị mụn cóc rất đơn giản. Đối với những nốt mụn cóc nhỏ hoặc số lượng ít (1-2 nốt), chúng ta có thể tự chấm thuốc tại nhà bằng các loại thuốc có thành phần salic axit theo đơn của bác sĩ.

Đối với những trường hợp mụn cóc lớn, kích thước 1-2cm hay số lượng nhiều (có thể lên đến vài chục nốt) hoặc mụn cóc kèm theo triệu chứng như: đau, chảy máu... người bệnh cần đến cơ sở y tế để can thiệp. Trường hợp mụn cóc quá lớn thì cần phải tiến hành tiểu phẫu.

Bác sĩ Phương Chi khuyến cáo, nhiều người thường rỉ tai nhau những mẹo dân gian để điều trị mụn cóc tại nhà, tuy nhiên người dân không nên áp dụng. Vì việc áp dụng điều trị mụn cóc tại nhà và không có hướng dẫn của nhân viên y tế có thể gây ra nhiễm trùng vết thương, gây loét, tấy sẽ rất nguy hiểm.

Mụn cóc có thể lây từ người này sang người khác khi có tiếp xúc trực tiếp và có vết thương hở. Một người từng bị mụn cóc vẫn có nguy cơ bị tái phát trở lại. Do việc điều trị chỉ giải quyết tổn thương trên bề mặt da, nếu như virus vẫn tồn tại trong tế bào và ở trong cơ địa đặc biệt (người suy giảm miễn dịch) thì mụn cóc vẫn có nguy cơ tái phát.

Ngọc Minh