Mụn ở mông, làm sao để điều trị và ngăn ngừa?
Cập nhật lúc 21:05, Thứ hai, 26/08/2024 (GMT+7)
Mụn ở mông đôi khi có thể gây cảm giác khó chịu và mang lại nhiều bất tiện. Trên thực tế, mông không có nhiều tuyến bã nhờn như các vùng da ở mặt, ngực và lưng. Do đó, mụn ở mông cũng có nhiều sự khác biệt so với mụn ở các vùng da khác.
Mụn trứng cá hiếm khi xuất hiện ở mông. Nguyên nhân là do cách hình thành loại mụn này. Mụn trứng cá xảy ra do lỗ chân lông bị tắc nghẽn, làm tích tụ chất nhờn, khiến vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm, theo trang thông tin sức khỏe Everyday Health (Mỹ).
|
|
Mặc các loại quần áo bó sát, chẳng hạn như đồ tập thể thao như quần yoga, một cách thường xuyên có thể khiến mụn phát triển ở mông |
Vì mông không có tuyến bã nhờn nên rất hiếm khi bị mụn trứng cá. Các vết mụn ở mông có thể là do nhiều nguyên nhân khác. Mặc các loại quần áo bó sát, ví dụ như đồ tập thể thao như quần yoga, một cách thường xuyên có thể khiến mụn ở mông phát triển. Tình trạng này đặc biệt dễ xảy ra nếu đã ngưng buổi tập nhưng vẫn tiếp tục mặc các loại quần bó này nhiều giờ sau đó mà không thay ra.
Các loại mụn thường thấy ở mông gồm:
Viêm nang lông
Viêm nang lông ở mông thường phát triển do ma sát giữa quần áo với da, kết hợp với mồ hôi. Tình trạng này ở mông có thể trông khá giống mụn trứng cá. Nguyên nhân chủ yếu gây viêm nang lông là do nhiễm khuẩn, nấm men, kích ứng nang lông hoặc tắc nghẽn nang lông. Tác nhân gây viêm thường là do tụ cầu khuẩn.
Nhọt độc
Nhọt độc trông như một khối mủ đau đớn. Nhọt có thể xuất hiện nếu viêm nang lông không được điều trị và gây nhiễm trùng sâu hơn dưới da.
Ngoài ra, bị mụn trứng cá sẽ không làm tăng nguy cơ bị viêm nang lông hoặc nhọt độc. Mặc dù trông có vẻ giống nhau nhưng đây là 3 vấn đề về da hoàn toàn khác nhau.
Dày sừng nang lông
Đây là tình trạng mà da xuất hiện những cục u nhỏ trên mông, thường vô hại và không gây ngứa. Những cục u này là do sự tích tụ keratin, một loại protein giúp cấu thành móng, tóc và lớp ngoài của da.
Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào việc bạn bị viêm nang lông, nhọt độc, dày sừng nang lông hay dị ứng. Nếu là viêm nhiễm do vi khuẩn thì bác sĩ sẽ yêu cầu thường xuyên vệ sinh mông, điều trị bằng kem kháng sinh bôi tại chỗ hoặc thuốc rửa kháng khuẩn, chẳng hạn các loại có chứa benzoyl peroxide. Nếu là nhọt độc thì bác sĩ có thể cần chích nhọt để lấy mũ và băng lại, theo Everyday Health.
Theo Thanh niên