leftcenterrightdel
 Theo CDC, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh AFM cao nhất là những trẻ có tiền sử bệnh hen suyễn và thường phải nhập viện 

CDC cho biết, AFM thường gây ra tình trạng bắt đầu là yếu cơ ở tay hoặc chân và có thể dẫn đến liệt vĩnh viễn hoặc đe dọa tính mạng trong những trường hợp nghiêm trọng. AFM xảy ra hàng năm và phổ biến nhất từ tháng 8 - 11. Trước năm 2020, các trường hợp AFM được xác nhận đã tăng vào các năm 2014, 2016 và 2018 với 120, 153 và 238 trường hợp.

"Bức tranh" về AFM đã thay đổi vào năm 2020 khi chỉ có 33 trường hợp được xác nhận. Đây được cho là hiệu quả sau những nỗ lực của các cơ quan y tế nhằm giảm thiểu tình trạng bệnh này. Tính đến đầu tháng 9/2022, có 13 trường hợp AFM đã được xác định trên 5 tiểu bang trên nước Mỹ.

Tuy nhiên, mối quan tâm hiện nay là một chủng virus cụ thể trong họ Enterovirus có liên quan đến AFM, được gọi là EV-D68, đã được ghi nhận với tỷ lệ cao hơn so với những năm trước. Vì các biến chứng thần kinh của AFM xảy ra sau lần nhiễm bệnh đường hô hấp đầu tiên nên các chuyên gia lo ngại rằng các trường hợp bệnh AFM có thể gia tăng trong những tuần tới.

Theo CDC, các biện pháp phòng ngừa làm chậm sự lây lan của nhiều loại virus, trong đó có virus liên quan đến AFM là rửa tay thường xuyên, tránh dùng chung thức ăn hoặc đồ uống với những người bị bệnh, vệ sinh sạch sẽ những vật dụng sau khi người bị bệnh sử dụng và cân nhắc đeo khẩu trang khi gặp các triệu chứng giống như cảm lạnh.

Tiến sĩ Matt Elrick, trợ lý giáo sư thần kinh học tại Viện Kennedy Krieger chuyên về AFM, cho biết việc nhận ra những bất thường ở trẻ bị nhiễm bệnh có thể khó hơn vì trẻ thường bị đau tay chân hay rất mệt mỏi. Sự khởi phát này lại rất giống với các triệu chứng của nhiều bệnh khác vì thế có thể khiến khó phát hiện sớm.

CDC khuyến cáo, hãy đi khám ngay lập tức nếu bạn hoặc con bạn có vấn đề về hô hấp hoặc đột ngột bị yếu cơ ở chân tay.

Theo phụ nữ TPHCM