leftcenterrightdel
 Nghiên cứu cho thấy, ở Mỹ trung bình cứ 1 tiếng 25 phút lại có một ca cấp cứu liên quan đến pin nút áo ở trẻ em dưới 18 tuổi

Pin lithium nhỏ còn được gọi là “pin nút áo”, thường được sử dụng để cung cấp năng lượng cho nhiều thiết bị điện tử tiêu dùng.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pediatrics (Nhi khoa) ngày 29/8, mặc dù Mỹ đã có nhiều chiến dịch truyền thông rộng rãi để cảnh báo các bậc cha mẹ về những nguy hiểm của pin nút áo, trong giai đoạn 2010-2019, ước tính có khoảng 7.032 ca cấp cứu do chấn thương liên quan đến loại pin này, nhiều hơn gấp đôi so với giai đoạn 1990-2009.

Cũng theo nghiên cứu, trung bình cứ 1 tiếng 25 phút lại có một ca cấp cứu liên quan đến pin nút áo ở trẻ em dưới 18 tuổi; trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ “ăn” pin nút áo nhiều nhất, đặc biệt là trẻ mới biết đi trong độ tuổi 1-2; hơn 87% số trường hợp nhập viện tại khoa cấp cứu do pin nút áo dẫn đến tổn thương nặng.

Các chuyên gia cho hay, ngay cả sau khi được tháo khỏi thiết bị, pin nút áo vẫn có dòng điện mạnh. 

“Khi pin mắc kẹt trong cổ họng của trẻ, nước bọt có thể tương tác với dòng điện, gây ra một phản ứng hóa học có thể làm bỏng nghiêm trọng thực quản trong vòng ít nhất là 2 giờ, tạo ra một lỗ thủng trong thực quản, làm tê liệt dây thanh quản, làm xói mòn thành khí quản, hoặc các mạch máu lớn”, Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia cảnh báo.

Năm 2010, bé Emmett Rauch, khi đó 1 tuổi, đã gặp những triệu chứng này khi ăn phải một viên pin nút áo bị rơi ra khỏi thiết bị điều khiển từ xa của đầu đĩa DVD.

Cha mẹ của bé, Karla và Michael Rauch, cho biết pin cũng đã đốt cháy dây thanh quản của Emmett. Sau đó, Emmett đã phải trải qua 5 cuộc phẫu thuật trong 5 năm, trong đó có cả việc thay thế toàn bộ thực quản bằng cách sử dụng một phần ruột của mình.

Nghiên cứu mới đã phân tích dữ liệu từ Hệ thống giám sát thương tật điện tử quốc gia của Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ, hệ thống theo dõi các lượt khám tại phòng cấp cứu tại hơn 100 bệnh viện ở nước này.

Kết quả phân tích cho thấy việc nuốt phải pin nút áo chiếm phần lớn (90%) trong số các lần đến phòng cấp cứu liên quan đến pin, đưa pin vào mũi (5,7%), tai (2,5%) và vào miệng mà không nuốt (1,8%). Mặc dù không nghiêm trọng bằng việc nuốt phải, nhưng việc pin lithium bị mắc kẹt trong tai hoặc mũi có thể gây ra những tổn thương đáng kể, chẳng hạn như thủng vách ngăn mũi hoặc màng nhĩ, mất thính giác hoặc liệt dây thần kinh mặt.

Theo phụ nữ TPHCM