Nguyên nhân gây ra nấc cụt rất phức tạp, nhưng sự kích hoạt của các dây thần kinh sau khi cơ hoành co lại sẽ chỉ ra nguyên nhân gây nấc cụt.
Theo các nhà nghiên cứu, người hút thuốc và uống nhiều rượu thường bị nấc cụt.
Tuy nhiên, điều ít người biết là các bệnh viện và đơn vị chăm sóc giảm nhẹ cũng đã quan sát thấy những bệnh nhân đột quỵ và ung thư cũng bị nấc cụt, theo tờ Express (Anh).
Các chuyên gia cho biết mỗi người bị nấc cụt vì các nguyên nhân khác nhau.
Nói chung, nguyên nhân thường gây nấc cụt là sự kích thích dây thần kinh cơ hoành và dây thần kinh phế vị. Thậm chí, có người chỉ cạo râu và vuốt râu cũng bị nấc cụt.
Và hai trong số những nguyên nhân khó hiểu nhất gây ra nấc cụt là đột quỵ và ung thư.
Trang tin y tế News Medical Life Science cho hay: Có rất nhiều loại ung thư liên quan đến nấc cụt, bao gồm ung thư thực quản, dạ dày, tuyến tụy, một số khối u não, các khối u của trung thất và ung thư phổi.
Trong những bệnh này, nấc cụt xảy ra khi các dây thần kinh ở cơ hoành bị kích thích.
Tiến sĩ Timothy Pfanner, Phó giáo sư y khoa tại Trường Y, Đại học Texas A&M (Mỹ), giải thích: Bất cứ điều gì khiến dạ dày căng lên đều có thể gây nấc cụt. Những người hút thuốc dễ nấc cụt vì họ liên tục nuốt không khí.
Nấc cụt có thể là dấu hiệu của đột quỵ hoặc ung thư
Đôi khi, bệnh nhân ung thư não, ung thư hạch hoặc ung thư dạ dày gặp những cơn nấc cụt không ngừng.
Nếu tình trạng nấc cụt tiến triển từ thỉnh thoảng thành dai dẳng không ngừng, thì nên đi khám, tiến sĩ Pfanner lưu ý.
Đối với đột quỵ, sự gián đoạn đường dẫn truyền thần kinh trong hệ thần kinh trung ương có thể dẫn đến nấc cụt. Não của bệnh nhân khối u não cũng thường xảy ra những gián đoạn này.
Tiến sĩ Diana L. Greene-Chandos, nhà thần kinh học liên kết với Bệnh viện Đại học New Mexico (Mỹ), cho rằng điều quan trọng là tìm kiếm các dấu hiệu khác để xác định xem đó có phải là đột quỵ hay không.
Các triệu chứng chính của đột quỵ có thể là tê liệt, mờ mắt hoặc nhầm lẫn đột ngột.
Hơn nữa, tiến sĩ Greene-Chandos giải thích rằng nấc cụt do đột quỵ có thể là cơn nấc cụt "đau, dai dẳng không ngừng và nghiêm trọng - xảy ra đột ngột", theo Express.
Nghiên cứu bao gồm 1.000 bệnh nhân bị đột quỵ do nhóm của tiến sĩ Greene-Chandos thực hiện, đã phát hiện 10% bệnh nhân này có nấc cụt là dấu hiệu của bệnh.
Trong ung thư dạ dày, các nguyên nhân hơi khác, vì nấc cụt chỉ xảy ra khi dạ dày ngừng hoạt động và trở nên to ra và đầy hơi.
Để xác định xem ung thư có phải là nguyên nhân gây nấc cụt hay không, có thể nên tìm các dấu hiệu chính khác như giảm cân và mệt mỏi.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh khuyến cáo nên đi khám nếu nấc cụt kéo dài hơn 48 giờ hoặc tái phát rất thường xuyên. Bác sĩ sẽ tìm hiểu xem liệu cơn nấc cụt có phải là bệnh hoặc do loại thuốc đang dùng hay không, theo Express.
Theo Thanh niên