Siêu nấm C.auris cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: TinyDevil/Shutterstock
Loài nấm này được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) gọi là “mối đe dọa khẩn cấp”.
Năm 2009, các bác sĩ lần đầu tiên phát hiện thấy nấm C.auris trong dịch tai của một bệnh nhân ở Nhật Bản. Kể từ đó, loại nấm này đã lan rộng không chỉ sang Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác, bao gồm Colombia, Ấn Độ, Hàn Quốc.
CDC báo cáo có bảy trường hợp nhiễm nấm C.auris đầu tiên tại Mỹ vào tháng 8 năm 2016. Đến tháng 5 năm 2017, tổng cộng có 77 trường hợp mắc ở New York, New Jersey, Illinois, Indiana, Maryland, Massachusetts và Oklahoma. Sau khi quan sát quá trình lây lan bệnh khi tiếp xúc với 77 bệnh nhân này, CDC xác định rằng đây là loại nấm có khả năng lây lan nhanh chóng. Tính đến tháng 2 năm 2019, chỉ tính riêng ở Mỹ đã có 587 trường hợp xác nhận nhiễm nấm C.auris.
Mới đây, một trường hợp bệnh nhân tại Bệnh viện Mount Sinai đã tử vong sau 90 ngày nhiễm nấm C.auris. Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất là nấm C.auris không bị loại bỏ, chúng vẫn tồn tại khắp nơi ở phòng cách ly của bệnh nhân này. Bệnh viện Mount Sinai đã phải tiến hành tẩy rửa, khử trùng đặc biệt các trang thiết bị y tế và thậm chí phải thay những miếng gạch lót sàn lẫn trần nhà để loại bỏ loại nấm này. Theo bác sĩ Scott Lorin, giám đốc bệnh viện cho biết: “Mọi thư như tường, giường, cửa, màn cửa, điện thoại, chậu rửa, đệm giường, trần nhà… đều dương tính”.
Vệ sinh để tẩy sạch nấm C.auris không đơn giản. Ảnh: Hilary Swift/New York Times
Miễn dịch càng yếu, càng nhiều nguy cơ Thông thường, C.auris tấn công những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, những người đang phải nằm viện điều trị hoặc đang trong giai đoạn bệnh nặng. Trên thực tế, dịch nấm C.auris đã được công bố tại các bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh trên toàn thế giới. Ở Anh, một đơn vị chăm sóc y tế đặc biệt đã phải đóng cửa sau khi họ phát hiện 72 người bị nhiễm nấm C.auris. Tại Tây Ban Nha, một bệnh viện cũng phát hiện 372 bệnh nhân bị nhiễm loại nấm này và gần 41% trong số bệnh nhân bị nhiễm C.auris tử vong trong vòng 30 ngày sau khi được chẩn đoán.
Chưa có thuốc đặc trị
Các chuyên gia y tế của CDC đang phải đối đầu với bài toán khó vì hiện nay chưa có loài thuốc đặc trị cho loại nấm C.auris. Thậm chí loại nấm này có thể tồn tại trên các bề mặt, nơi tiếp xúc, đồ đạc… trong nhiều tuần liền.
Những người mắc phải nấm C.auris thường tử vong vì không có phác đồ điều trị hiệu quả. Hầu hết các bệnh nhiễm nấm và vi khuẩn có thể được điều trị bằng cách thay đổi loại thuốc đang dùng. Nhưng với các nấm và vi khuẩn kháng thuốc, gen của chúng tiến hóa nhanh đến mức việc sử dụng thuốc kháng sinh nhằm tiêu diệt chúng không có hiệu quả.
Triệu chứng lờ mờ
Điều làm cho căn bệnh này trở nên khó điều trị hơn đó là nhiều người nhiễm loại nấm kháng thuốc này không có bất cứ triệu chứng rõ ràng nào và do đó, vô tình làm lay lan chúng khắp nơi họ tiếp xúc. Theo CDC, cứ 10 người được sàng lọc thì phát hiện 1 người mang siêu vi khuẩn C.auris mang mầm bệnh kháng thuốc mà không biết. Cụ thể hơn, nếu một người đang mang trong mình căn bệnh nào đồng thời mắc cả C.auris thì việc phát hiện ra họ mắc C.auris vô cùng khó khăn.
Các bác sĩ và các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra các bệnh kháng thuốc nhưng họ tin rằng loại nấm này không đến từ một nơi duy nhất. Các chuyên gia cho rằng việc lạm dụng thuốc kháng sinh và các phương pháp điều trị chống nấm khác đã khiến C.auris xuất hiện ở nhiều địa điểm khác nhau cùng một lúc.
Và cho đến khi các nhà nghiên cứu có thể xác định nguyên nhân gây ra các bệnh kháng thuốc này và tìm ra phương pháp điều trị thích hợp, CDC kêu gọi mọi người nên nâng cao ý thức sử dụng xà phòng và nước rửa tay diệt khẩu sau khi chạm hay tiếp xúc với bất kỳ bệnh nhân nào.
Theo thoidai