Mùa đông lạnh với sự thay đổi và chênh lệch của nhiệt độ trong nhà và môi trường khiến nấm mốc có điều kiện sinh sôi phát triển thuận lợi do hơi ẩm tích tụ.
1. Nấm mốc là gì?
Nấm mốc được hiểu là một dạng của nấm với nhiều loại khác nhau cả trong nhà và ngoài trời. Nấm mốc tạo ra các bào tử, lây lan bằng cách trôi nổi trong không khí. Người ta đã xác định rằng các bào tử nấm mốc có mặt trong hầu hết các môi trường trong nhà. Chúng phát triển mạnh trong môi trường ẩm và ấm áp ở mọi bề mặt khác nhau bao gồm vải, giấy, gỗ, thủy tinh hay nhựa.
Chưa có một con số thống kê chính xác là có bao nhiêu loại nấm mốc, nhưng các chuyên gia ước tính rằng có thể có khoảng hơn 300.000 loại với nhiều hình dạng khác nhau, có thể mịn như nhung, cũng có thể xù xì, mảng mờ mờ...
Các loại nấm mốc phổ biến có thể kể đến như: Alternaria, Aspergillus, Cladosporium, Penicillium.
2. Nấm mốc tác động như thế nào tới sức khỏe?
Nấm mốc có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe, đặc biệt với người bị dị ứng, đang gặp vấn đề về hô hấp hoặc hệ miễn dịch suy yếu hoặc các đối tượng dễ bị tổn thương khác như người già hoặc trẻ nhỏ.
Các vấn đề về hô hấp, dị ứng
Khi nấm mốc phát triển, các bào tử nấm lơ lửng trong không khí và trở thành chất gây dị ứng, kích thích đường hô hấp. Một số có thể độc hại với người nhạy cảm dẫn tới kích ứng phổi, họng ở người bị hen suyễn hay bệnh phổi mãn tính hoặc các bệnh hô gấp sẵn có khác.
Dị ứng nấm mốc có thể gây ra nhiều triệu chứng tương tự như các bệnh dị ứng khác như viêm mũi dị ứng hoặc dị ứng theo mùa. Trong đó các dị nguyên trong không khí cũng có thể ảnh hưởng tới đường hô hấp trên với các biểu hiện như:
- Nghẹt mũi hoặc sổ mũi
- Ngứa mũi
- Ngứa họng
- Hắt hơi
- Chảy nước mắt.
Những người bị dị ứng nấm mốc và hen suyễn cũng có nguy cơ lên cơn suyễn cao hơn nếu có bào tử nấm trong môi trường sống.
Nhiễm trùng do nấm Aspergillus
Một số loại nấm mốc trong đó có Aspergillus có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng gọi là bệnh nhiễm trùng Aspergillus. Tùy từng tình trạng miễn dịch và cấu trúc phổi mà loại bệnh truyền nhiễm có thể gặp phải là khác nhau.
Nhưng hầu hết mọi người có thể hít phải bào tử của nấm Aspergillus mà không bị bệnh - trừ các trường hợp có miễn dịch yếu hay đang mắc các bệnh phổi. Một số nhiễm trùng có thể gặp phải là bóng nấm, u nấm, viêm nhiễm nấm xoang dị ứng, viêm u hạt xâm lấn mạn tính... Đặc biệt nhiễm nấm Aspergillus xâm lấn ngoài phổi có thể liên quan tới các tổn thương gan, thận, não... dẫn tới tử vong.
Các vấn đề khác
Nấm mốc cũng có thể kích hoạt sản xuất vi trùng và vi khuẩn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì việc tiếp xúc với những vi khuẩn này có thể gây ra phản ứng viêm ở một số người. WHO cũng lưu ý rằng nấm mốc và các tác nhân vi sinh vật mà nó tạo ra có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng phế quản và nấm.
Có một số bằng chứng cho thấy nó có thể dẫn tới: viêm phổi quá mẫn, viêm phế quản, viêm phế nang dị ứng, viêm mũi xoang mãn tính, viêm xoang dị ứng do nấm... WHO và CDC cũng chỉ ra một số triệu chứng khi ở môi trường có nấm mốc có thể gặp bao gồm: Kích ứng da mắt, thở khò khè, sốt, mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, mất ngủ, kích ứng niêm mạc, hội chứng bệnh nhà kín...
3. Đối phó và phòng ngừa
Kiểm soát độ ẩm chính là chìa khóa để ngăn ngừa nấm mốc phát triển trong nhà. Nó cũng quan trọng để giữ cho nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng. Các nguyên nhân dẫn tới tăng độ ẩm và tạo ra hơi ẩm trong nhà bao gồm:
- Độ ẩm không khí trong ngày mưa gió, ẩm ướt hoặc những ngày lạnh tạo ra chênh lệch nhiệt độ lớn giữa trong nhà có thiết bị sưởi và ngoài trời.
- Nhà có cửa sổ và cửa ra vào đóng chặt.
- Bốc hơi nước của các thiết bị nấu ăn...
Cơ quan Bảo vệ môi trường EPA cho biết, mọi người nên duy trì độ ẩm dưới 60% để an toàn và khỏe mạnh. Vậy làm cách nào để giảm độ ẩm trong nhà để giảm nguy cơ tích tụ hơi ẩm và nấm mốc?
+ Sử dụng máy hút ẩm.
+ Mở cửa sổ khi có thể giúp không khí lưu thông tốt hơn.
+ Sử dụng quạt, máy hút trong nấu ăn để loại bỏ độ ẩm.
+ Tránh các hoạt động tạo ra độ ẩm trong nhà như sấy khô quần áo.
+ Đảm bảo rằng tất các các đồ dùng bằng vải đều đã khô hoàn toàn trước khi cất giữ đồng thời thỉnh thoảng vệ sinh các tủ quần áo, tủ lưu trữ đồ.
+ Thường xuyên làm sạch để nấm mốc không tích tụ trên bề mặt; điều này cũng bao gồm cả bụi hay các dị nguyên dễ gây kích ứng khác như lông thú cưng...
+ Sử dụng các sản phẩm diệt nấm mốc khi vệ sinh phòng tắm.
+ Tránh đặt thảm trong phòng tắm hay tầng hầm; nói cách khác là các khu vực dễ ẩm ướt.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngăn ngừa nấm mốc phát triển một cách triệt để nhưng việc vệ sinh và lau chùi thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ nấm mốc xuất hiện hoặc trở nên tệ hơn.
Châu Anh