Số ca này được báo cáo từ Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia châu Á và châu Mỹ kể từ tháng 5/2021 đến tháng 5 năm nay. Các bệnh nhân bị viêm xoang, viêm hoại tử xương vùng hàm mặt và xương sọ, có bệnh nền đái tháo đường, đều từng nhiễm nCoV ở thời điểm biến chủng Delta lây lan mạnh.
Tại Việt Nam, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM ghi nhận 5 trường hợp cốt tủy viêm xoang hàm trên kể từ đầu năm, trong đó ba ca bệnh nền đái tháo đường, hai trường hợp nấm xâm lấn. Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận 11 người nhập viện với triệu chứng đau đầu, nghẹt mũi, sưng mặt và mắt, diễn tiến nặng dần, hai người sau đó tử vong. Điểm chung của họ là đều từng mắc Covid-19, tuy nhiên chưa rõ nguyên nhân gây tình trạng hoại tử xương. Các bác sĩ đều đánh giá "đây là vấn đề bệnh lý mới" và cần tìm hiểu.
Nấm Candida và Aspergilus là gì?
Aspergillus là một loại nấm mốc phổ biến, xuất hiện nhiều trong tự nhiên. Dù tiếp xúc thường xuyên, việc lây nhiễm Aspergillus ở người không phổ biến, trừ khi hệ miễn dịch bị ức chế. Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng ức chế miễn dịch là bệnh nền tiểu đường, việc sử dụng steroid, cấy ghép nội tạng, ung thư, chấn thương, suy dinh dưỡng và AIDS.
Nấm có thể xâm nhập vào cơ thể, xuống phổi và đi vào máu, sau đó lây nhiễm sang các cơ quan khác nhau, bao gồm não. Trên hình ảnh cộng hưởng từ (MRI), ổ nhiễm trùng Aspergillus trông giống dạng áp xe trong não.
Nấm Candida có sẵn trong cơ thể nhiều người, là một phần của hệ vi sinh đường tiêu hóa và sinh dục. Vì một số nguyên nhân, Candida đôi khi phát triển bất thường và gây nhiễm trùng âm đạo. Loại nấm này cũng có thể gây bệnh tưa miệng, biểu hiện là lớp trắng bao quanh vòm miệng và cổ họng.
Ở người bệnh suy giảm miễn dịch, nấm Candida có thể xâm nhập vào máu và lây lan đến các khu vực khác nhau trên cơ thể. Nấm có thể gây viêm màng não, thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, sinh non hoặc người từng phẫu thuật.
Các ca viêm tủy xương do nấm sau nhiễm nCoV trên thế giới
Trong khoảng thời gian biến chủng Delta lây lan mạnh năm ngoái, Ấn Độ ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm nấm liên quan đến Covid-19 chỉ trong ba tuần. Một số chuyên gia gọi tình trạng này là bệnh nấm đen (mucormycosis).
Tiến sĩ Prashant D Shirke, trưởng ban cố vấn y tế tại PDS Imaging, thành phố Mumbai, báo cáo một ca viêm tủy xương do nhiễm nấm hậu Covid-19 điển hình. Bệnh nhân 63 tuổi, có bệnh nền đái tháo đường và điều trị bằng thuốc trong nhiều năm. Người này có triệu chứng đau hàm bên trái trong vòng 4 tháng, kể từ tháng 12/2020 và được chẩn đoán nhiễm nCoV vào tháng 1/2021.
Khi đã khỏi Covid-19, tình trạng đau hàm chưa thuyên giảm, bệnh nhân quyết định đi khám nha khoa và được chỉ định nhổ răng, dùng thuốc. Tuy nhiên, cơn đau không chấm dứt. Đến tháng 2, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hoại tử xương hàm do nhiễm nấm, đồng thời thực hiện phẫu thuật cắt bỏ phần hoại tử.
Trường hợp thứ hai là một nam bệnh nhân 45 tuổi, bị thiếu máu huyết, dương tính với Covid-19 vào tháng 3/2021. Anh nhập viện điều trị bằng remdesivir và heparin. Sau hai ngày, bệnh nhân phát triển triệu chứng sưng quanh hốc mắt bên phải. Kết quả chụp X-quang cho thấy người bệnh bị lệch vách ngăn mũi và viêm xoang bướm trái, chứng tỏ mô mềm dưới ổ mắt bị sưng tấy. Dựa trên những biểu hiện này, bác sĩ cho rằng bệnh nhân đã nhiễm nấm sau mắc Covid-19.
Giả thuyết nguyên nhân nhiễm nấm
Các chuyên gia y tế Ấn Độ cho biết tình trạng này tương đối hiếm, song nó lây nhiễm sang người mắc Covid-19 bị suy yếu miễn dịch, có bệnh nền tiểu đường.
Bệnh nấm đen không truyền từ người sang người. Nó phát triển từ các bào tử thông thường, đôi khi tích tụ tại nhà và trong bệnh viện. Các chuyên gia tin rằng tình trạng đông đúc và thiếu oxy y tế trong đại dịch tạo điều kiện cho nấm phát triển mạnh hơn.
Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng nhiễm nấm tại Ấn Độ là do bệnh nhân phải sử dụng steroid để điều trị khi nhập viện. Bên cạnh đó, trong đợt dịch thứ hai, nhiều gia đình phải tự mua thuốc và cho người thân thở oxy tại nhà mà không được vệ sinh đúng cách.
Thiếu oxy, các bác sĩ tại nhiều nơi đã tiêm steroid cho bệnh nhân, phương pháp điều trị tiêu chuẩn đối với Covid-19 trên toàn cầu. Phương pháp có thể làm giảm viêm trong phổi, giúp bệnh nhân Covid-19 hô hấp dễ dàng hơn.
Arunaloke Chakrabarti, chuyên gia vi sinh vật học tại Viện Nghiên cứu và Giáo dục Y khoa Ấn Độ, cho biết nhiều bác sĩ đã kê toa steroid với số lượng lớn, vượt xa khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Lượng steroid đó làm tổn thương hệ miễn dịch, khiến bệnh nhân Covid-19 dễ nhiễm các bào tử nấm hơn.
Steroid cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu ở mức nguy hiểm, khiến các bệnh nhân tiểu đường dễ nhiễm nấm đen, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và suy dinh dưỡng.