leftcenterrightdel
 Nhiều nghiên cứu trước đây về tác động tâm lý của nhiệt đã được thực hiện bằng cách sử dụng cỡ mẫu nhỏ và hạn chế.

Nhiều thập kỷ nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thời điểm nắng nóng cực độ có liên quan đến cả nội chiến và bạo lực cá nhân. Bất chấp phát hiện nhất quán này, vẫn còn tranh cãi về lý do tại sao sức nóng và bạo lực lại đi đôi với nhau.

Một nghiên cứu mới cho thấy, sức nóng có thể khiến một số người hung hăng hơn. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, nhiệt độ không ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra quyết định của con người.

Ông Robert Pickmans - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Đại học California, Berkeley (Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu mới - cho biết: “Do biến đổi khí hậu đang diễn ra trên khắp thế giới và nhiệt độ thay đổi, chúng tôi cảm thấy đây là một hướng nghiên cứu quan trọng”.

Những phát hiện này đã được Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia công bố dưới dạng tài liệu nghiên cứu. Ông Pickmans cho biết, nhiều nghiên cứu trước đây về tác động tâm lý của nhiệt đã được thực hiện bằng cách sử dụng cỡ mẫu nhỏ và hạn chế.

Trong nghiên cứu mới, nhóm đã tuyển khoảng 900 người tham gia từ Berkeley, California và 1.000 người từ Nairobi, Kenya. Các tình nguyện viên được đưa đến phòng có nhiệt độ 71,6 độ F (22 độ C) hoặc phòng có nhiệt độ 86 F (30 độ C). Sau đó, họ được thực hiện một loạt bài kiểm tra nhận thức và ra quyết định tiêu chuẩn. Các nhà nghiên cứu đã so sánh hiệu suất của các cá nhân trong phòng nóng và mát.

Phát hiện đầu tiên là, phần lớn, không có nhiều khác biệt. Những người trong phòng nóng phàn nàn rằng, họ cảm thấy buồn ngủ hơn. Tuy nhiên, khả năng ra quyết định của họ vẫn không hề suy giảm. Trong một thử nghiệm, những người tham gia có cơ hội xóa một khoản tiền tiết kiệm của người tham gia khác. Không có lợi ích hay rủi ro nào khi họ làm như vậy.

Nhiệt độ không ảnh hưởng đến cách mọi người tham gia thử nghiệm ở Berkeley. Tuy nhiên, ở Nairobi, những người tham gia trong căn phòng nóng lại tàn nhẫn hơn.

Sau khi điều tra sâu hơn, các nhà nghiên cứu phát hiện, hiệu ứng này được thúc đẩy bởi những người tham gia là thành viên của các nhóm dân tộc bị gạt ra ngoài lề trong một cuộc bầu cử đầy tranh cãi đang làm đảo lộn cuộc sống hằng ngày ở Kenya vào thời điểm đó.

Nhà nghiên cứu Pickmans nói: “Chúng tôi nghĩ điều này khá thú vị, đặc biệt là khi xét đến các tài liệu về khí hậu ghi lại mối liên hệ giữa nhiệt độ và bạo lực chính trị”. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, kết quả này nên được coi là mang tính thăm dò. Bởi, các nhà khoa học không tham gia nghiên cứu với mục đích xem xét sự khác biệt giữa những nhóm dân tộc.

Theo giaoducthoidai