Theo Y học cổ truyền, trong khoảng bốn mùa thì mùa xuân, mùa hạ là mùa sinh trưởng, bồng bột thuộc dương, mùa thu, mùa đông là mùa túc sái bế tàng thuộc âm. Sự nóng lạnh của khí hậu là theo thay đổi của thứ tự bốn mùa mà biến hóa.
Nếu cơ năng điều tiết của thân thể người ta không thích ứng được với sự biến hóa của khí hậu tự nhiên, thì cũng khó tránh khỏi sự xâm phạm của bệnh tà.
Mùa thu lại là thời điểm chuyển giao giữa mùa hạ nóng bức và mùa đông lạnh giá, dương khí suy giảm, âm khí tăng lên, cơ thể cần được điều chỉnh để thích nghi với sự thay đổi này.
Việc duy trì sức khỏe trong mùa thu không chỉ dựa trên việc giữ ấm cơ thể mà còn phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng.
Dưới góc nhìn của Y học cổ truyền, việc ăn uống trong mùa thu cần tuân theo các nguyên tắc cân bằng âm dương, bồi bổ phế (phổi), dưỡng âm và phòng ngừa các bệnh lý thường gặp trong mùa này như khô họng, ho khan, viêm phế quản…
Theo nguyên tắc dưỡng sinh của Y học cổ truyền có nói: "Ba tháng mùa thu vạn vật thành thục, khí trời đã mát, tiếng gió ồn ào, khí đất héo hắt, vạn vật biến sắc, cần phải ngủ sớm dậy sớm. Trời hửng sáng thì thức dậy, trời tối thì đi ngủ làm cho ý chí được yên tĩnh để làm hòa hoãn cái khí hậu heo hắt của mùa thu.
Nếu làm trái thì tổn đến phế mà sang đông sẽ sinh bệnh đi ngoài phân sống, làm cho năng lực thích ứng với khí tiềm tàng của mùa đông bị giảm sút".
Y học cổ truyền luôn nhấn mạnh sự cân bằng âm dương trong cơ thể. Mùa thu là giai đoạn âm thịnh dương suy, khí trời lạnh dần, khô hanh. Đây là thời điểm cơ thể dễ bị mất cân bằng giữa âm và dương, dẫn đến các triệu chứng như khô da, khát nước, khô cổ họng, ho và dễ cảm lạnh. Do đó, trong mùa thu, việc dưỡng âm và duy trì dương khí là rất quan trọng.
1. Thực phẩm dưỡng phế, bổ sung tân dịch trong mùa thu
Để bồi dưỡng âm khí, chúng ta nên ưu tiên các thực phẩm có tính nhuận phế, làm mát cơ thể nhưng không quá lạnh. Những thực phẩm này giúp duy trì độ ẩm trong cơ thể, giảm tình trạng khô hanh và bảo vệ phổi. Các thực phẩm dưỡng phế, bổ sung tân dịch, bồi bổ phần âm của cơ thể có thể kể đến như:
Lê: Là loại quả có tính mát, có tác dụng nhuận phế, sinh tân dịch và giảm ho. Việc ăn lê giúp làm dịu các triệu chứng ho khan, đau họng do khô hanh. Lê có thể ăn tươi, nấu chè hoặc hấp cùng mật ong để tăng hiệu quả.
Củ cải trắng: Có tác dụng giải độc, nhuận phế, trừ ho. Củ cải có thể được nấu canh, luộc hoặc ép lấy nước uống cùng mật ong để dưỡng âm.
Mật ong: Là loại thực phẩm có tính bình, giúp nhuận phế, giải độc và giảm các triệu chứng khô miệng, ho khan. Một cốc nước ấm pha mật ong buổi sáng là cách đơn giản nhất để giữ ẩm và bảo vệ phổi trong mùa thu.
2. Thực phẩm giúp thanh nhiệt, dưỡng âm
Mùa thu tuy mát mẻ nhưng vẫn mang tính khô nóng của cuối mùa hè. Vì thế, việc thanh nhiệt và dưỡng âm là cần thiết để tránh tình trạng cơ thể bị quá nhiệt, khô hanh. Một số thực phẩm giúp thanh nhiệt, dưỡng âm bao gồm:
Đậu xanh: Là loại hạt có tính mát, giúp giải độc, thanh nhiệt và dưỡng âm. Đậu xanh có thể nấu chè, làm súp hoặc nấu cháo để bồi bổ cơ thể, làm dịu nhiệt trong những ngày thu hanh khô.
Khoai mỡ: Là loại thực phẩm có tác dụng bổ phế, kiện tỳ, ích khí, dưỡng âm. Khoai mỡ có thể nấu cháo, hầm cùng xương hoặc làm các món canh.
Rau mồng tơi: Có tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng. Rau mồng tơi có thể nấu canh hoặc luộc, giúp giữ ẩm cơ thể và dưỡng âm trong mùa thu.
3. Thực phẩm có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm
Mùa thu là mùa của các bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, cảm cúm… Để phòng tránh các bệnh này, Y học cổ truyền khuyến khích bổ sung các thực phẩm có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và tăng cường hệ miễn dịch như:
Gừng: Là một trong những gia vị có tính ấm, giúp giữ ấm cơ thể, kích thích hệ tiêu hóa và chống viêm.
Uống trà gừng hoặc thêm gừng vào các món ăn hàng ngày là cách hiệu quả để phòng cảm lạnh.
Tỏi: Có tính ấm, tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm mạnh mẽ. Việc sử dụng tỏi trong các món ăn hoặc uống nước tỏi sẽ giúp tăng cường miễn dịch, chống lại cảm cúm và viêm họng.
Hành tây: Cũng là thực phẩm có tính ấm, giúp giữ ấm cơ thể, kháng viêm và hỗ trợ tiêu hóa. Hành tây có thể nấu canh, xào hoặc ăn sống kèm salad.
Đặc biệt, uống đủ nước và giữ ấm cho cơ thể là điều rất cần thiết trong mùa thu khô hanh này. Nên uống nước ấm thay vì các loại nước lạnh, nước đá để bảo vệ dương khí của cơ thể. Ngoài nước lọc, có thể bổ sung thêm các loại trà thảo mộc như: Trà hoa cúc, trà táo đỏ kỷ tử, trà nhài mật ong, trà cam quế...
Bên cạnh đó mùa thu là thời điểm dễ mắc các bệnh liên quan đến hệ hô hấp và da khô, vì vậy cần tránh các thực phẩm có tính khô táo như thức ăn chiên rán, đồ nướng, và những món cay nóng. Các thực phẩm này không chỉ dễ làm tổn thương âm khí mà còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về da và hệ hô hấp như viêm họng, ho khan, gây mất nước, làm khô da và môi.
Bằng cách lựa chọn thực phẩm phù hợp, giữ ẩm cho cơ thể và tránh các thực phẩm có tính khô táo, mỗi người có thể duy trì sức khỏe tốt và phòng tránh các bệnh lý thường gặp trong mùa thu.
Việc áp dụng các nguyên tắc dinh dưỡng từ Y học cổ truyền không chỉ giúp cơ thể thích nghi với sự thay đổi thời tiết mà còn tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên, để mùa thu trở nên đẹp dịu dàng.
Theo suckhoedoisong.vn