Tiến sĩ Margaret Steele, thuộc Trường Y tế Công của Đại học Cao đẳng Cork ở Ireland, đã nghiên cứu về bệnh béo phì và rút ra kết luận: những thước đo như BMI (chỉ số khối cơ thể) đã khiến công chúng bị nhầm lẫn về chứng béo phì, hầu hết tin rằng người béo chỉ đơn giản là “thừa cân”.

Bà Steele đề xuất, tình trạng này nên được đổi tên thành “rối loạn thèm ăn mạn tính”, để khuyến khích những người có triệu chứng đi trị bệnh và tiếp cận các loại thuốc ức chế sự thèm ăn.

leftcenterrightdel
 Theo một số nhà nghiên cứu từ Ireland, có những người bị béo phì không phải vì lựa chọn của bản thân, mà do họ bị “rối loạn thèm ăn mạn tính” - Ảnh: Shutterstock

Cụ thể, các nhà khoa học đã xác định được hàng trăm loại gen làm tăng nguy cơ béo phì, thúc đẩy quan điểm rằng đó thực sự là bệnh. Các đồng nghiệp của bà Steele cho rằng những đột biến trong các gen này làm thay đổi các bộ phận của não có vai trò điều chỉnh sự thèm ăn, khiến một số người ăn quá nhiều và tăng cân.

Tiến sĩ Steele nhận định, cần phân biệt giữa sức khỏe cộng đồng và ý nghĩa y tế của triệu chứng bệnh béo phì, như là 2 vấn đề khác nhau.

Các chuyên gia y tế, khi xem xét các quá trình sinh lý của một người, đã lưu ý các yếu tố như khả năng dự trữ năng lượng dư thừa dưới dạng chất béo, xử lý insulin và đường ăn kiêng cũng như khả năng hoạt động trao đổi chất của người đó diễn ra thế nào, qua đó chẩn đoán triệu chứng béo phì.

Tiến sĩ Steele cho biết: “Môi trường ngày nay ném quá nhiều thức ăn vào chúng ta, nhưng một số người dường như có khả năng chống lại sự cám dỗ và ngừng ăn khi đã hấp thu đủ để duy trì cân nặng. Tuy nhiên, có những người không làm được như vậy, do điều gì đó đang diễn ra trong não, điều gì đó ở mức độ hormone”.

Theo bà Steele, có những người không thể kiểm soát được cân nặng, vấn đề không phải do họ thiếu ý chí giảm cân hay khả năng đưa ra quyết định kiểm soát bữa ăn. Nguyên nhân là họ liên tục nhận được tín hiệu rằng cơ thể đang đói và cùng lúc đó họ thực sự cảm thấy đói. Họ liên tục nhận được tín hiệu để ăn và vì vậy họ có thể phản ứng bằng cách ăn quá nhiều”.

Bà Steele cho biết thêm: “Đây là những người mắc bệnh và họ cần nhận được sự hỗ trợ y tế để kiểm soát hành vi”.

Làm việc cùng với các giáo sư từ Đại học Galway (Ireland), bà Steele và các đồng nghiệp kết luận rằng tình trạng tích lũy lượng mỡ dư thừa, còn gọi là chất béo, không đủ để được coi là một căn bệnh. Tuy nhiên, bệnh về sinh lý khiến một người không thể điều chỉnh sự thèm ăn nên được đặt một tên thay thế cho chứng béo phì.

Nhóm của bà Steele đã trình bày các phát hiện nói trên tại Đại hội châu Âu ở thủ đô Dublin của Ireland về chứng béo phì, đồng thời đề xuất: “Chúng ta cần coi căn bệnh này tách biệt với danh mục các vấn đề liên quan đến BMI, vì tuy có mối quan hệ giữa chúng nhưng chúng không giống nhau về bản chất”.

Nhưng cũng có ý kiến không đồng tình và cho rằng việc phân loại béo phì như một căn bệnh, chứ không phải là hậu quả của hành vi, có thể phản tác dụng.

Tiến sĩ tâm lý Max Pemberton so sánh tình trạng thừa cân với chứng nghiện rượu và hút thuốc. Ông chỉ ra: “Có cả những gen khiến mọi người dễ bị nghiện thuốc lá hơn. Nhưng chúng tôi sẽ không phân loại chứng nghiện hút thuốc là một căn bệnh, nó gây bệnh nhưng đó là hành vi mà chúng ta có quyền lựa chọn”.

Ông Pemberton cho biết thêm: “Ngay cả những người có đặc điểm di truyền dễ trở nên béo phì cũng không phải là nô lệ cho DNA của họ”.

Một loại thuốc giảm cân, gọi là Tirzepatide, đã được thử nghiệm trên 2.539 người trưởng thành thừa cân hoặc béo phì và có ít nhất một biến chứng liên quan đến cân nặng, không bao gồm bệnh tiểu đường. Trong 72 tuần, người dùng liều cao nhất đã giảm được 23% trọng lượng cơ thể.

Theo phụ nữ TPHCM