leftcenterrightdel
 

Chảy máu cam thường gặp ở trẻ em, đặc biệt khi thời tiết khô hanh. Tình trạng này phổ biến ở trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 10 tuổi. Thông thường, chảy máu cam chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và hiếm khi là nguyên nhân đáng lo ngại. Tuy nhiên, trẻ có thể chảy máu dai dẳng, tái phát hoặc chảy rất nhiều, cần được chăm sóc y tế.

1. Nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ

Mũi là nơi được cung cấp máu dồi dào, mũi có thể thay đổi độ ẩm và nhiệt độ của không khí hít vào, đồng thời các mạch máu nằm gần bề mặt hơn những nơi khác trong cơ thể. Điều này làm cho các mạch máu trong mũi mỏng hơn và dễ bị tổn thương hơn.

Chảy máu cam diễn ra phổ biến hơn vào mùa đông do không khí lạnh, khô. Vào thời tiết này, màng mũi dễ bị nứt, tổn thương dẫn tới tình trạng chảy máu.

leftcenterrightdel
 Trẻ dễ bị chảy máu cam vào mùa hanh khô vì màng mũi dễ bị tổn thương (Ảnh: Internet)

Ngoài yếu tố từ thời tiết, trẻ có thể bị chảy máu cam do nhiều nguyên nhân khác như:

- Ngoáy mũi sâu và mạnh, làm tổn thương các mạch máu trong mũi.

- Trẻ bị va chạm vào mũi khi nô đùa, chấn thương khi tham gia các hoạt động như đá bóng. 

- Hắt hơi hoặc xì mũi mạnh, nhiều.

- Tác dụng phụ của thuốc như thuốc xịt mũi, thuốc chống viêm tại chỗ…

- Bệnh lý như dị ứng, nhiễm trùng mũi - họng, xoang, xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu…

2. Nên làm gì khi trẻ bị chảy máu cam?

Hầu hết các trường hợp chảy máu cam có thể khắc phục tai nhà, một số trường hợp nghiêm trọng hơn cần đến bệnh viện để xử lý.

Nếu trẻ bị chảy máu cam mà không xuất hiện thêm các triệu chứng khác hoặc biết rõ nguyên nhân do tổn thương, cha mẹ có thể áp dụng các cách sau:

- Cho trẻ ngồi xuống và trấn an con, không để trẻ hoảng sợ. Sau đó, hướng dẫn trẻ ngồi thẳng lưng và hơi nghiêng về phía trước.

Lưu ý: Không cho trẻ ngả lưng hoặc cho trẻ nằm vì điều này có thể khiến trẻ nuốt máu, dẫn đến ho hoặc nôn trớ.

- Nhẹ nhàng kẹp đầu mũi của trẻ vào giữa hai ngón tay bằng khăn giấy hoặc khăn sạch và cho trẻ thở bằng miệng.

leftcenterrightdel
Giữ mũi trẻ trong vòng 5 - 10 phút để cầm máu (Ảnh: Internet) 

- Giữ chặt mũi trẻ trong vòng 5 - 10 phút. Lúc này nên chú ý đến cảm giác của con, xem con có bị đau mũi không để điều chỉnh lực khi giữ mũi. Trong khoảng thời gian này có thể dùng đá chườm lên sống mũi, điều này có thể làm giảm lưu lượng máu.

- Sau đó kiểm tra xem máu đã ngừng chảy chưa. Nếu đã ngừng chảy thì có thể cho bé hoạt động bình thường nhưng tránh các vận động, chơi đùa mạnh. Nếu máu vẫn chưa ngừng hẳn, vẫn nên giữ mũi 5-10 phút nữa.

Nếu máu vẫn chảy quá nhiều, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để xử lý kịp thời. 

- Ngoài ra, trong quá trình sơ cứu chảy máu cam, cha mẹ không lấp đầy mũi của trẻ bằng gạc hoặc khăn giấy và tránh xịt bất cứ thứ gì vào mũi trẻ.

3. Cách phòng tránh tình trạng chảy máu cam ở trẻ vào mùa hanh khô

Trẻ rất dễ bị chảy máu cam nhưng có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm khả năng bị tình trạng này bằng một số cách như:

- Dùng máy tạo độ ẩm, điều này sẽ giúp mũi không bị khô hay kích ứng mà giữ được độ ẩm cho mũi.

- Vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên với nước muối sinh lý Natri Clorua 0,9%.

- Khuyến khích trẻ không nên ngoáy mũi, khi tham gia các hoạt động có nguy cơ bị tổn thương như đá đóng nên đeo các thiết bị bảo hộ thích hợp.

- Nếu trẻ có tiền sử bị dị ứng, viêm mũi, viêm xoang… nên có những biện pháp phòng bệnh cho trẻ.

- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C, K, sắt.

- Bổ sung đủ nước cho trẻ, cha mẹ có thể cho con uống nước lọc, nước ép, súp, sữa…

leftcenterrightdel
 Khuyến khích trẻ không nên ngoáy mũi vì có thể làm xước màng mũi và gây chảy máu (Ảnh: Internet)

4. Trẻ hay bị chảy máu cam nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Thiếu chất cũng có thể làm gia tăng tình trạng chảy máu cam. Vì vậy, cha mẹ nên xây dựng cho con một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ dưỡng chất như:

- Thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc làm bền vững thành mạch máu. Hơn nữa, vitamin C giúp tăng cường đề kháng, làm giảm nguy cơ vỡ mạch máu khi chịu tác động từ bên ngoài.

Những thực phẩm giàu vitamin C như hoa quả họ cam quýt, bông cải xanh, ớt chuông, nho, ổi…

- Thực phẩm giàu Vitamin K

Vitamin K cần thiết để kích hoạt các enzym ở nhiều giai đoạn trong quá trình đông máu. Ngoài ra, vitamin này thúc đẩy hình thành collagen - chất này sẽ tạo ra một lớp lót ẩm trong mũi, bảo vệ các mạch máu không bị tổn thương.

Vitamin K có nhiều trong rau bina, rau cải bắp, súp lơ, húng quế… cha mẹ nên bổ sung thường xuyên và chế độ ăn uống của trẻ.

leftcenterrightdel
Vitamin K thúc đẩy hình thành collagen - chất này sẽ tạo ra một lớp lót ẩm trong mũi, bảo vệ các mạch máu không bị tổn thương (Ảnh: Internet) 

- Thực phẩm chứa nhiều sắt

Sắt ảnh hưởng đến quá trình rối loạn máu. Hơn nữa, trẻ thường xuyên bị chảy máu cam bị mất máu nhiều. Vì vậy, cha mẹ nên bổ sung những thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn uống của con như thịt đỏ, các loại đậu, đậu phụ, bông cải xanh, gan động vật.

Bên cạnh đó, khi trẻ thường xuyên bị chảy máu cam, cha mẹ tránh cho con ăn những đồ cay nóng, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ uống có chất kích thích. Nếu tiêu thụ những thực phẩm này, có thể làm tình trạng chảy máu cam diễn ra trầm trọng hơn.

Có thể nói, vào mùa hanh khô, trẻ thường bị chảy máu cam. Tình trạng này thường không quá nguy hiểm và có thể phòng ngừa. Tuy nhiên, nếu trẻ bị chảy máu cam liên tục, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện kiểm tra, vì có thể đây là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm. 

Vân Anh (Nguồn: Medicalnewstoday.com)