1. Giá trị dinh dưỡng của nước ép lô hội
Nước ép lô hội là nguồn giàu chất chống oxy hóa, giúp chống lại các gốc tự do. Điều này làm giảm căng thẳng oxy hóa trên cơ thể và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim và ung thư…
Nước ép lô hội chứa nhiều chất dinh dưỡng như: Vitamin C, A, E, beta-caroten, canxi, magie…
Một khẩu phần khoảng 230 ml nước ép lô hội nguyên chất gồm:
- Lượng calo: 8
- Chất đạm: Dưới 1 gam
- Chất béo: Dưới 1 gram
- Carbohydrate: 3 gam
- Chất xơ: 2 gam
- Đường: Dưới 1 gram
Nước ép lô hội chứa hàm lượng magiê cao. Đây là chất dinh dưỡng quan trọng với thần kinh và cơ bắp. Magiê giúp cơ thể thực hiện hơn 300 phản ứng enzyme khác nhau, bao gồm cả những phản ứng điều hòa huyết áp, giúp điều chỉnh nhịp tim…
Không nên uống quá 230 ml nước ép lô hội mỗi ngày.
2. Cách làm nước ép lô hội
Nước ép lô hội có thể được tìm thấy ở các siêu thị, được đựng trong chai, trộn với nước để bớt đặc hơn hoặc cũng có thể làm nha đam tự ép tại nhà.
Cách thực hiện:
- Lấy một lá lô hội, cắt bỏ các cạnh nhọn ở hai bên. Sau đó, cẩn thận gọt bỏ lớp vỏ ngoài (xanh cứng), và lấy phần gel trong (ở giữa lá). Tuyệt đối không để dính nhựa vào phần gel trong.
- Rửa sạch nhớt dưới vòi nước, sau đó rửa bằng nước đun sôi để nguội.
- Sau khi có gel, cho vào máy xay sinh tố, xay mịn, thêm nuwocs để có độ đặc như ý muốn.
Dưới đây là một số cách để thêm nước ép lô hội vào chế độ ăn uống:
- Uống một mình.
- Thêm nước ép lô hội vào sinh tố.
- Trộn nước ép lô hội vào nước chanh….
3. Nên uống bao nhiêu nước ép lô hội mỗi ngày?
TS. Laura Purdy, một bác sĩ gia đình có trụ sở tại Nashville, tiểu bang Tennessee Hoa Kỳ, cho biết: Mặc dù không có khuyến nghị về khẩu phần nước ép lô hội hàng ngày nhưng bạn nên bắt đầu với một khẩu phần nhỏ và tăng dần dần lượng. Lượng khuyến nghị tối đa khoảng 230ml/ngày.
Lượng này cũng có thể được pha loãng vào các loại đồ uống khác, bao gồm nước lọc và nước trái cây để tạo hương vị. Hầu hết các nhà sản xuất nước ép lô hội đều khuyên nên uống trước bữa ăn 30 phút.
4. Rủi ro và tác dụng phụ của nước ép lô hội
Nha đam nói chung là an toàn cho hầu hết mọi người sử dụng. Tuy nhiên, tác dụng của nó đối với quá trình tiêu hóa có thể dẫn đến các tác dụng phụ như tiêu chảy hoặc đau bụng….
Trên thực tế, mủ lô hội trước đây được sử dụng làm thành phần thuốc nhuận tràng, nhưng Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã rút lại sự chấp thuận vào năm 2002, do thiếu bằng chứng chứng minh tính an toàn của nó. Do đó, nên dùng với số lượng nhỏ hơn và tăng dần mức sử dụng để tránh những tác dụng phụ này.
5. Ai nên tránh hoặc hạn chế dùng nước ép lô hội?
Một số người nên thận trọng khi uống nước ép lô hội hoặc tránh hoàn toàn, bao gồm:
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú: Lô hội có thể gây co tử cung sớm và có thể gây sảy thai nếu uống với số lượng lớn.
- Những người bị dị ứng với hoa huệ: Nha đam có thể gây ra phản ứng bất lợi ở những người bị dị ứng với thực vật và thực phẩm thuộc họ hoa huệ, chẳng hạn như hành tây.
- Người mắc bệnh đái tháo đường: Nước ép lô hội có thể làm giảm giá trị đường huyết lúc đói nên có thể tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, cần theo dõi giá trị đường huyết để phát hiện tình trạng hạ đường huyết, đặc biệt nếu họ đang dùng thuốc trị đái tháo đường.
- Những người dùng thuốc lợi tiểu: Lô hội có thể làm giảm lượng kali trong cơ thể, có thể tương tác với thuốc lợi tiểu và gây thiếu hụt kali…
Nếu bạn thuộc bất kỳ nhóm nào ở trên và gặp tác dụng phụ sau khi uống nước ép lô hội, hãy liên hệ ngay với chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Lô hội có thể có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Nghiên cứu cho thấy uống nước ép lô hội có thể mang lại một số lợi ích tiềm năng. Mặc dù nước ép lô hội có thể an toàn nhưng cũng chỉ nên dùng tối đa 230 ml mỗi ngày.
Giống như bất kỳ chất bổ sung nào, bạn nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi thêm lô hội vào thói quen của mình.
|