Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà (Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết trà xanh và trà đen có những tác dụng giống nhau có thể kể đến như chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa các bệnh tim mạch, tăng cường chức năng não, đồng thời tăng sự trao đổi chất, khả năng miễn dịch, giúp giải độc và mang lại làn da tươi sáng; ngăn ngừa một số bệnh ung thư (ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư vú, ung thư ruột kết, ung thư da…).

Sự khác biệt chính giữa hai loại trà do từ quá trình sản xuất. Trong sản xuất, trà đen được tiếp xúc không khí để kích hoạt quá trình oxy hóa, làm cho lá chuyển sang màu nâu sẫm, nâng cao hương vị và độ đậm đà. Trong khi đó, trà xanh được chế biến chống quá trình oxy hóa nên có màu nhạt hơn. Kết quả cho ra hai hương vị, màu sắc khác nhau nhưng không làm ảnh hưởng đến tác dụng chính của trà.

Nên uống trà xanh hay trà đen? - Ảnh 1.

Một cốc nhỏ (230 ml) trà xanh có 30-50 mg caffein ít hơn so với trà đen có 39-109 mg caffein. SHUTTERSTOCK

Bên cạnh đó, cả hai loại trà này đều chứa các chất kích thích như caffein và L-theanine. Tuy nhiên, trà đen có lượng caffein nhiều hơn so với trà xanh nên trà đen sẽ phù hợp với những người muốn tìm loại caffein nhẹ hơn cà phê một chút. Trà xanh có thể cân bằng và làm dịu tác dụng của caffein do chứa nhiều chất L-theanine nên sẽ phù hợp hơn với nhóm người nhạy cảm với chất này. Do đó, quyết định nên uống loại trà nào sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người sử dụng.

Một cốc nhỏ (230 ml) trà xanh có 30-50 mg caffein ít hơn so với trà đen có 39-109 mg caffein. Lượng khuyến nghị tối đa hằng ngày của caffein là 400 mg, tương đương với 8 cốc trà xanh, 4 cốc đối với trà đen. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn không nên uống 8 cốc trà xanh hay 4 cốc trà đen trong một lần, đặc biệt với nhóm người nhạy cảm chất này.

Nên uống trà xanh hay trà đen? - Ảnh 2.

Trà đen có màu sắc đậm và có lượng caffein nhiều hơn so với trà xanh, phù hợp với những người muốn tìm loại caffein nhẹ hơn cà phê một chút. SHUTTERSTOCK

Lưu ý vì cả hai loại trà đều chứa tannin, một chất làm giảm hấp thu các chất khoáng, đặc biệt là giảm hấp thu sắt. Vì vậy, tránh uống trà giữa và sau các bữa ăn, có thể uống trước bữa ăn tối thiểu 1 giờ để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng được hấp thu và tránh gây giảm hấp thu các khoáng chất.

Những lưu ý khi uống nước trà

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết uống nước trà đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm nguy cơ ung thư, ngăn ngừa và bảo vệ tim mạch, chống lão hóa, duy trì hệ xương khớp khỏe mạnh, tăng cường trí nhớ, bảo vệ gan, ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm, hỗ trợ điều trị hen suyễn và giảm nguy cơ sâu răng…

Tuy nhiên, cần chú ý một số điểm khi uống trà. Nên uống trà nóng, vì trà có tính hàn sẽ sinh đờm. Caffein trong trà có tác dụng hưng phấn thần kinh trung ương nhằm tăng mức độ tập trung và hoạt động của não bộ. Do đó nếu uống trà vào buổi tối có thể gây khó ngủ và mất ngủ. Nên dùng trà vào sáng sớm để đầu óc tỉnh táo và tăng hiệu suất làm việc, học tập,…

Tránh dùng nước trà ngay sau khi ăn vì chất tannin có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt và chất dinh dưỡng trong thực phẩm.

Người đang uống thuốc làm tan máu đông không nên uống trà vì trong trà có vitamin K - làm tăng khả năng đông máu.

Ngoài ra, người bị suy nhược thần kinh, mất ngủ, cao huyết áp cũng nên hạn chế dùng trà, do trong trà chứa nhiều caffein có tác dụng kích thích thần kinh, gia tăng gánh nặng cho tim, làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp.

Ngoải ra, hoạt chất tannin trong trà có tác dụng cầm tiêu chảy, vì vậy người bị táo bón nên hạn chế sử dụng.

Theo Thanh niên