Chất thải trong quá trình tiêu hóa không thể thoát ra khỏi vị trí tắc nghẽn trong ruột để đi ra ngoài. Có thể dẫn đến không thể “xì hơi” được và cảm thấy táo bón. - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Căn bệnh chết người này có thể cản trở cơ thể thực hiện một số chức năng. Tổ chức nghiên cứu ung thư Anh đã lưu ý rằng, các tế bào ung thư có thể gây tắc ruột, theo Express.
Tắc ruột là tình trạng ngăn cản sự di chuyển của chất thải qua ruột. Thức ăn, chất thải, chất lỏng, a xít dạ dày ứ đọng hoặc tích tụ gần chỗ tắc nghẽn, theo The Health Site.
Ung thư ruột bắt đầu ở ruột già hoặc trực tràng, khi các tế bào nhân lên không kiểm soát, tạo thành khối u - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Có thể có 2 nguyên nhân gây ra điều này.
Hoặc các tế bào ung thư chèn ép lên ruột.
Hoặc khối u ung thư chèn ép lên dây thần kinh của ruột và làm mất chức năng của ruột.
Từ đó, dẫn đến các cơ ruột không hoạt động bình thường.
Trong cả hai trường hợp, chất thải trong quá trình tiêu hóa không thể thoát ra khỏi vị trí tắc nghẽn trong ruột để đi ra ngoài.
Nếu xảy ra tình trạng như vậy, có thể dẫn đến không thể “xì hơi” được và cảm thấy táo bón.
Nguy hiểm là, một người nếu không thể "xì hơi", có thể đã bị ung thư ruột, theo Express.
Các dấu hiệu và triệu chứng của tắc ruột
• Đau bụng từng cơn khi ruột cố đẩy chất thải ra ngoài qua khu vực bị tắc nghẽn.
• Đau bụng đột ngột. Đau bụng thường ở xung quanh rốn hoặc dưới rốn. Đau quặn bụng rồi hết.
• Nôn ra lượng lớn thức ăn không tiêu hoặc nôn ra cả dịch ruột. Ở trẻ em, chất nôn có thể có màu vàng xanh.
• Đầy hơi
• Buồn nôn.
• Táo bón và không thông khí. Nếu ruột bị tắc hoàn toàn sẽ dẫn đến không thông khí.
• Chướng bụng
• Cũng có thể bị tiêu chảy nếu ruột bị tắc một phần.
Nếu bất kỳ triệu chứng nào kéo dài hơn 1 tuần, hoặc đau bụng dữ dội và liên tục kèm theo nôn mửa, hãy đi khám ngay lập tức. Tắc ruột cần được cấp cứu ngay lập tức, theo Express.
Bệnh nhân ung thư ruột giai đoạn cuối thường bị tình trạng này.
Những người đã phẫu thuật hoặc xạ trị vùng bụng có nhiều nguy cơ bị tắc ruột. Hẹp ruột, dính ruột cũng có thể dẫn đến tắc ruột.
Ngoài ra, thành ruột dày lên do bệnh viêm ruột hoặc phẫu thuật vùng bụng, vùng chậu cũng có thể gây tắc ruột.
Những dấu hiệu sớm của ung thư ruột
Có những dấu hiệu sớm hơn của ung thư ruột, cần lưu ý là:
• Thay đổi trong thói quen đại tiện bình thường
Ví dụ, phân trở nên lỏng hơn nhiều so với bình thường trước đây, hoặc có thể đi ngoài nhiều hơn hoặc bị bón hơn.
• Đi ngoài ra máu
Một dấu hiệu khác của ung thư ruột là có máu đỏ tươi trong phân hoặc phân có màu đen.
• Có khối u
Bác sĩ có thể xác định được một khối u ở lưng hoặc bụng, thường ở bên phải.
• Lúc nào cũng cảm giác muốn đi ngoài
Cảm giác như thường xuyên cần đi vệ sinh có thể là dấu hiệu của ung thư ruột
• Cảm giác đi ngoài chưa xong
Một dấu hiệu khác của ung thư ruột là cảm giác như thể chưa xả hết ruột, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, theo Express.
• Giảm cân, mệt
Những người mắc bệnh có thể giảm cân bất ngờ và có thể cảm thấy mệt mỏi và khó thở.
Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy đi khám ngay.
Lứa tuổi nào nên tầm soát ung thư ruột?
Lứa tuổi từ 50 đến 75 tuổi nên tầm soát ung thư đại trực tràng, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ.
Một số bác sĩ khuyên nên bắt đầu sớm hơn, ở tuổi 45.
90% trường hợp ung thư đại trực tràng phát bệnh ở tuổi từ 50 trở lên, theo Express.
Tuy nhiên, nếu ngoài độ tuổi này, nhưng gặp bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ ung thư ruột, cần phải đi khám ngay.
Phát hiện bệnh càng sớm, khả năng được cứu sống và sống lâu hơn càng cao.
Đừng sợ hãi nếu gặp những dấu hiệu kể trên, vì đó cũng có thể là triệu chứng của bệnh trĩ, nhiễm trùng hoặc viêm ruột.
Theo thanhnien