Bệnh viện Phụ Sản Nhi Bình Dương đã từng tiếp nhận điều trị cấp cứu cho 1 trường hợp thai bám sẹo mổ lấy thai cũ. Bệnh nhân 42 tuổi, có tiền căn mổ lấy thai 3 lần; vào viện với tình trạng da niêm trắng bệch, tri giác lơ mơ, mạch và huyết áp không đo được, ra huyết âm đạo rất nhiều ở nhà gây ngất xỉu, Hb = 3g/dl, đồng thời kết hợp dấu hiệu nhiễm trùng nặng như sốt cao 39 độ C, dịch âm đạo rất hôi thối, bạch cầu tăng, CRP tăng.
Đội ngũ bác sĩ trực nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa, thực hiện báo động đỏ nội viện, cấp cứu bằng cách truyền tổng cộng 14 đơn vị máu, kháng sinh liều cao. Sau truyền máu và kháng sinh cho ổn định, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cắt tử cung bán phần với chẩn đoán thai bám sẹo mổ cũ gây nhau cài răng lược thể percreta + nhiễm trùng đưa đến vỡ tử cung.
Nếu đã từng đẻ mổ, chị em lưu ý nguy cơ thai bám sẹo mổ lấy thai. Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Lê Thị Anh Đào – Trưởng khoa Phụ ngoại A5, bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, thai bám sẹo mổ lấy thai là biến chứng gặp ở phụ nữ từng đẻ mổ. Đây là hiện tượng túi thai làm tổ tại vị trí sẹo mổ tử cung. Đây là một vị trí đặc biệt của thai ngoài tử cung. Thông thường, sau khi được thụ tinh, trứng sẽ bám vào vùng đáy tử cung - nơi có lớp nội mạc đủ dày để làm tổ và sinh trưởng. Tuy nhiên, đối với những bà mẹ có sẹo ở tử cung do lần mổ thai trước, trứng có thể bám vào đúng vị trí sẹo phát triển thành túi thai. Chửa tại sẹo mổ lấy thai nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn tới nhiều biến chứng nặng nề như vỡ tử cung, xuất huyết ồ ạt phải cắt tử cung và có thể nguy hiểm tính mạng của mẹ.
Khi phát hiện thai bám sẹo mổ cũ, cần chấm dứt thai kỳ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho sản phụ. Nên những chị em đã từng được mổ lấy thai nếu có thai trở lại nên siêu âm sớm để loại trừ biến chứng này.
Nguy cơ thai bám sẹo mổ sẽ càng tăng nếu số lần mổ lấy thai càng nhiều.
Cũng theo PGS.TS Lê Thị Anh Đào, biến chứng khuyết sẹo mổ lấy thai cũng có thể gặp ở những phụ nữ từng đẻ mổ.
Khuyết sẹo mổ lấy thai là tình trạng mất liên tục của nội mạc tử cung một phần hay toàn bộ lớp cơ thành trước eo tử cung, gây ra sự hình thành túi dịch tại vị trí thành trước đoạn dưới tử cung.
Các triệu chứng gợi ý đến khuyết sẹo mổ lấy thai như rong kinh, rong huyết, vô sinh thứ phát, ứ dịch buồng tử cung, đau bụng vùng hạ vị …
Khi phát hiện khuyết sẹo mổ lấy thai dẫn đến các rối loạn trên cần phẫu thuật để cắt lọc và khâu phục hồi cơ tử cung.
Thống kê tại Bệnh viện Từ Dũ, tần suất thai bám ở sẹo mổ lấy thai đã tăng đáng kể trong những năm gần đây do số lượng phụ nữ sinh mổ ngày càng tăng. Bệnh viện Từ Dũ là cơ sở tiếp nhận và điều trị cho phần lớn các bệnh nhân thai bám sẹo mổ ở khu vực phía Nam và con số này tăng lên rõ rệt qua các năm.
Năm 2012: 287 trường hợp điều trị thai bám sẹo mổ cũ
Năm 2014: 827 trường hợp
Năm 2016: 949 trường hợp
Năm 2017: 1.358 trường hợp
Năm 2018: 2.295 trường hợp nhập viện Từ Dũ vì thai bám sẹo mổ lấy thai. |
Theo suckhoedoisong.vn