Nếu các lần đại tiện cách nhau từ 6 ngày trở lên, nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn gần 50% - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Nhiều yếu tố - như lượng nước uống vào, tuổi tác, mức độ hoạt động, chế độ ăn uống, tiền sử bệnh và mức hoóc môn, có thể tác động đến việc đại tiện bao nhiêu lần một ngày hoặc tuần mấy lần, theo Medical News Today.
Tuy nhiên, một người nếu không đi đại tiện đều đặn, có thể có nguy cơ mắc một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Đó là ung thư đại trực tràng - loại ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới.
Nghiên cứu cho biết, người bị táo bón quá mức, có nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn gần 50%, theo Best Life.
Táo bón như thế nào là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng?
Một phân tích tổng hợp, được công bố trên Tạp chí Ung thư Anh, khi xem xét 14 nghiên cứu bệnh chứng, đã xem xét mối liên quan giữa táo bón và ung thư đại trực tràng.
Kết quả, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người đại tiện 6 ngày một lần hoặc lâu hơn, có nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng gần 50%, so với những người đi đại tiện hằng ngày, theo Best Life.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những người đại tiện ít hơn 3 lần một tuần cũng dễ mắc ung thư đại trực tràng hơn - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Các tác giả kết luận: “Nguy cơ ung thư đại trực tràng và ung thư đại tràng tăng lên đáng kể ở những người đại tiện đến 6 ngày một lần hoặc lâu hơn so với những người đi hằng ngày”.
Từ đó, các nhà nghiên cứu cho rằng những người táo bón đến mức này thực sự có nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn.
Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây hơn, được công bố trên tạp chí Alimentary Pharmacology & Therapeutics, đã xem xét gần 29.000 bệnh nhân bị táo bón mạn tính và hơn 86.000 trường hợp đối chứng không bị táo bón - từ cơ sở dữ liệu của Mỹ.
Kết quả, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người bị táo bón mạn tính - nghĩa là đại tiện ít hơn 3 lần một tuần - có tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn đáng kể, theo Best Life.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng táo bón mạn tính càng nặng thì nguy cơ càng cao.
Tiến sĩ Nicholas Talley, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Mặc dù táo bón mạn tính được coi là bệnh tương đối lành tính, các bác sĩ nên biết về mối liên quan tiềm ẩn này để theo dõi và điều trị cho chính xác".
Không chỉ táo bón, mà phân lỏng cũng nguy hiểm không kém
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí về ung thư của Châu Âu - European Journal of Cancer, phân lỏng cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Nghiên cứu đã xem xét 25.663 nam giới và phụ nữ trong độ tuổi từ 45 đến 79.
Và kết quả đã phát hiện ra rằng, những người đại tiện phân lỏng, có nguy cơ ung thư đại trực tràng cao gấp 3 lần so với những người đi phân mềm bình thường, theo Best Life.
Tiến sĩ, bác sĩ Esteban Kosak, tư vấn cho trang web về y tế - Symptoms.Care, cũng cảnh báo, hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh ai cũng từng có lúc bị táo bón hoặc tiêu chảy, nhưng điều quan trọng là phải nói với bác sĩ nếu có bất kỳ thay đổi nhất quán nào, có thể đó là chỉ báo của một vấn đề nghiêm trọng hơn.
Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng
Thay đổi trong cách đại tiện không phải là triệu chứng duy nhất của ung thư đại trực tràng.
Một số triệu chứng của ung thư đại trực tràng có thể là máu trong phân khiến phân có màu đen, đau và chướng bụng, mệt mỏi, sụt cân và thiếu sắt không rõ nguyên nhân, theo Medical News Today.
Những ai có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng?
Hiệp hội Ung thư Mỹ liệt kê một số yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng có thể kiểm soát được, như thừa cân, không hoạt động thể chất, ăn nhiều thịt đỏ, hút thuốc hoặc uống nhiều rượu.
Ngoài ra, những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 hoặc trên 50 tuổi cũng có nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng cao hơn.
Điều quan trọng là phải đi khám ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào kể trên kéo dài hơn 4 tuần, theo Best Life.
Theo thanhnien