Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xếp đậu nành là 1 trong 8 loại thực phẩm gây dị ứng nhiều nhất. 8 loại này gồm đậu phộng, đậu nành, sữa, trứng, lúa mì, cá, động vật có vỏ và các loại quả hạch, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Nếu thấy các dấu hiệu này, nên ngưng ăn đậu nành - ảnh 1

Khi thấy các triệu chứng dị ứng thì người mắc cần ngưng tiêu thụ các sản phẩm làm từ đậu nành ngay lập tức

SHUTTERSTOCK

Dị ứng thực phẩm xảy ra khi cơ thể phản ứng với một loại protein trong thực phẩm cụ thể nào đó. Protein này vô hại với người bình thường nhưng với người bị dị ứng, hệ miễn dịch sẽ nhận diện chúng là tác nhân gây hại và tấn công, gây nên phản ứng dị ứng.

Khi thấy các triệu chứng dị ứng, người mắc cần ngưng sử dụng đậu nành và các sản phẩm làm từ đậu nành ngay lập tức. Một số triệu chứng dị ứng đậu nành thường gặp là nổi mề đay, phát ban, phù mạch, da bị sưng và ngứa. Các triệu chứng hô hấp như thở khò khè, hen suyễn, chảy nước mũi, nghẹt mũi hay sưng thanh quản cũng có thể xuất hiện.

Các triệu chứng dị ứng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa là tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, ói mửa và ngứa miệng. Hầu hết các triệu chứng dị ứng đậu nành là nhẹ.

Người bị dị ứng cần tránh các món có thành phần là đậu nành. Các món này thường gặp là sữa đậu nành, tàu hủ, nước tương, các sản phẩm làm từ đậu nành để thay thế sữa như pho mát, kem đậu nành, nước hầm nấu từ đậu nành và các các loại thực phẩm bổ sung có nguồn gốc là protein đậu nành.

Dù đã cố gắng loại bỏ các món có đậu nành trong chế độ ăn nhưng thỉnh thoảng người bị dị ứng vẫn ăn phải một số món có thành phần đậu nành mà không biết. Khi đó, các triệu chứng thường là nhẹ đến trung bình như ngứa hay nổi mề đay.

Người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc kháng histamine, có tác dụng ngăn cơ thể tiết ra hóa chất gây viêm. Trong trường hợp nghiêm trọng, dị ứng đậu nành có thể được điều trị bằng thuốc tiêm adrenaline, theo Healthline.

Theo Thanh niên