|
|
Tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi |
Bài 1: Trải lòng của người trong cuộc
Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, 1.263 trường hợp tử vong.
Đáng chú ý, trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có đến 82,9% là nam giới và đối tượng chiếm tỉ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới. Điều này đã dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với nhóm này.
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, nhận định, dịch AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhóm nam quan hệ đồng giới liên tục chiếm tỷ lệ cao trong số mới phát hiện hằng năm và là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.
Ngại đi xét nghiệm vì lo sợ
Thực tế, có khá nhiều người nhiễm HIV nhưng không hay biết bệnh tình của mình hoặc có nghi ngờ nhưng lại sợ hãi khi đứng trước ngưỡng cửa của sự thật nên không đi xét nghiệm. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác mà bản thân người nhiễm cũng không được chăm sóc đúng cách.
Năm nay, anh Lê Anh Tài (ở An Giang) bước sang tuổi 26. Anh Tài phát hiện nhiễm HIV được 2 năm. Dù vậy, khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính, Tài vẫn suy sụp. Anh là nhân viên pha chế trong một quán bar và có quan hệ tình dục với nhiều người đồng tính để kiếm tiền mưu sinh.
Điều đáng nói là trước đó, Tài đã xác định mình có nguy cơ bị nhiễm HIV từ quan hệ đồng tính do sức đề kháng kém, thường ốm ho, sốt... nhưng do sợ hãi, anh không đi xét nghiệm. Cho đến khi Tài biết tin một số người quen đã mất vì AIDS, anh mới chuẩn bị tâm lý để đón nhận kết quả xấu nhất.
Nói về con đường mà mình đã đi, Tài chia sẻ: "Tôi ở với cậu và bà ngoại từ nhỏ. Khi học hết lớp 12, tôi đã đi làm để mưu sinh. Khi biết tôi là người đồng tính, cậu tôi đã không chấp nhận và tỏ ra rất khó chịu với tôi. Sau đó, tôi dọn ra ngoài sống chung với bạn đồng giới.
Để có tiền, tôi bắt đầu "đi khách". Tôi không tiếp quá nhiều mà chỉ tiếp 2-3 khách/tuần. Tôi phải chiều theo ý họ, nếu khách chịu dùng bao thì tôi dùng nhưng phần lớn là không".
Bệnh nhân nhiễm HIV nhận thuốc tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội)
Sau khi biết mình nhiễm HIV, Tài gia nhập nhóm cộng đồng những người đồng tính ở An Giang. Từ đây, anh bắt đầu làm công việc tình nguyện, hỗ trợ người đồng tính các vấn đề liên quan đến HIV. Việc đầu tiên anh làm là tìm những bạn tình cũ để tư vấn, khuyên đi xét nghiệm và điều trị nếu người đó nhiễm HIV.
Tài chia sẻ, điều ân hận lớn nhất của anh là không đi xét nghiệm sớm khi nghi ngờ mình nhiễm HIV nên có thể đã lây nhiễm sang nhiều người.
"Năm trước, tôi đã về chia sẻ với ngoại việc mình nhiễm HIV vì chỉ có ngoại là người yêu thương và quan tâm tới tôi. Ngoại nghe rồi khóc nấc lên. Tôi hiểu dù ngoại có trách mắng thì đó cũng là vì thương xót tôi", Tài nói.
Chọn cô đơn vì sợ lây nhiễm cho bạn tình
Hùng Cường (21 tuổi, ở Đắc Lắk) là sinh viên Y khoa năm thứ nhất. Anh phát hiện nhiễm HIV cách đây 1 năm. Vào khoảng tháng 9/2023, anh bắt đầu có những triệu chứng như đau họng, sốt cao liên tục, phát ban, sụt cân nhiều.
Ban đầu, Cường nghĩ mình chỉ bị bệnh thông thường. Đi khám bệnh, anh được chẩn đoán viêm amidan. Khi nhập viện để cắt amidan, phải làm xét nghiệm máu, anh mới biết mình nhiễm HIV.
"Mình là một người đồng tính, có mối tình cùng một bạn nam khác khoảng 6 tháng. Lúc mình phát hiện bệnh, chỉ có bạn trai biết. Cả hai không tin vào kết quả này và đã đưa nhau đi xét nghiệm lại một lần nữa. Kết quả, chỉ có mình dương tính với HIV. Mình đã rất suy sụp, có lúc muốn chấm dứt cuộc đời này.
Mình là sinh viên Y khoa, việc học tập cũng nhiều nên không có quan hệ qua lại với người nào khác. Hiện tại, mình vẫn chưa rõ lý do tại sao mình lại dương tính với HIV. Khi biết bản thân nhiễm HIV, mình đã chia tay người yêu để tránh lây nhiễm sang bạn ấy", Cường chia sẻ.
Vì bản thân rất sợ lây bệnh cho người thân và cũng không muốn để người nhà biết mình đã nhiễm HIV nên Cường đã không về nhà trong 3 tháng. Trong khoảng thời gian đó, anh đã tìm hiểu về HIV nhiều hơn để có những biện pháp tránh lây nhiễm cho gia đình. Đồng thời, anh cũng tuân thủ điều trị dự phòng HIV bằng thuốc ARV.
"Hiện tại, cảm giác xa lánh gia đình không còn nữa. Mình sinh hoạt như bao thành viên khác nhưng vẫn phải tuân thủ một số nguyên tắc để tránh lây cho mọi người. Khi có HIV, bạn cần tuân thủ điều trị. Nếu bạn đã điều trị K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) thì hoàn toàn có thể chung sống với gia đình và những người xung quanh", Hùng Cường cho biết.
* Theo Bộ Y tế, gần 70% ca nhiễm HIV mới tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Đông Nam bộ và TPHCM. Gần 40% số ca nhiễm mới ở lứa tuổi 15-25.
* Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12 với chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030". Chủ đề này nhấn mạnh sự cần thiết trong việc đảm bảo tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay điều kiện sống, đều có quyền tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
|
An Khê