Ảnh minh họa

Từ sáng nay 18-11, mạng xã hội xôn xao sau khi Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn có báo cáo điều tra ca bệnh của bệnh nhi Trần Công Vinh (sinh tháng 10-2014, ở xã Bắc Sơn, Sóc Sơn) tử vong hôm 31-10, sau 3 ngày có các biểu hiện sốt, đau bụng, dương tính với bệnh Whitmore.

Theo Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn, gia đình cháu có 7 người. Tháng 4-2019, chị của cháu (học lớp 1) đã qua đời do nhiễm khuẩn huyết. Em trai của Vinh cũng nghi mắc Whitmore. Thời điểm cơ quan y tế điều tra dịch tễ, cháu này đang điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi trung ương và hiện cháu đã mất ngày 16-11.

Báo cáo của Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn cho biết các gia đình xung quanh gia đình bệnh nhân không có ca bệnh tương tự.

Do bệnh Whitmore lây từ bùn, đất có vi khuẩn qua đường tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở, ngoài ra có thể lây qua hô hấp, tiêu hóa và có lây từ người sang người nhưng rất hiếm gặp.

"Nguy cơ bùng phát thành dịch tại Sóc Sơn là không cao" - phó giám đốc Trung tâm y tế Sóc Sơn Lê Đức Tuyên cho hay.

Tuy nhiên, do gần như cùng lúc có 3 con nhỏ trong một gia đình tử vong do căn bệnh này, nguồn lây lại chưa rõ ràng nên người dân rất lo lắng, đồng thời cho biết trong tình huống có bệnh nguy hiểm lưu hành mà Sở Y tế không cảnh báo đến người dân.

Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với ông Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ông Hiền cho biết Sở Y tế đang điều tra nguồn lây, nguy cơ của căn bệnh này và sẽ có thông báo sớm đến người dân.

Whitmore từng được coi là "căn bệnh truyền nhiễm bị lãng quên" do số mắc rất ít trong khoảng 50 năm qua. Nhưng gần đây bệnh có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt từ tháng 8-2019 đến nay, riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trên 20 bệnh nhân.

Có nữ bệnh nhân bị vi khuẩn tấn công làm mất dần tổ chức phần mềm ở mũi nên có người gọi đây là loại "vi khuẩn ăn thịt người". Tỉ lệ tử vong ở người mắc bệnh lên tới 40-50%.

Theo tuoitre