Trong quá trình theo dõi trực tuyến hơn 1.000 công nhân Singapore vào tháng 10/2023, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ y tế Telus Health nhận thấy rằng nhiều người trẻ có khả năng được chẩn đoán mắc chứng lo âu và trầm cảm cao gấp 3 lần và khả năng chi tiêu phúc lợi công ty cho việc trị liệu cao gấp 5 lần. Những công nhân Singapore dưới 40 tuổi đang cảm thấy buồn bã hơn hẳn so với những người từ 50 tuổi trở lên.

Paula Allen, phó Chủ tịch cấp cao về nghiên cứu và hiểu biết khách hàng tại Telus Health, lưu ý với The Straits Times rằng những căng thẳng về tinh thần thường thấy ở những người trẻ tuổi. Xu hướng này có thể phản ánh một thế hệ người lao động kém hạnh phúc hơn tại đảo quốc sư tử.

Thiệt hại

Theo các nhà nghiên cứu từ Trường Y Duke-NUS và Viện Sức khỏe Tâm thần vào năm 2023, các triệu chứng của sức khỏe tâm thần kém có thể khiến nền kinh tế Singapore thiệt hại 15,7 tỷ USD, tương đương 2,9% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Singapore.

Tiến sĩ Eric Andrew Finkelstein, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, nói rằng thanh thiếu niên mắc chứng trầm cảm có nhiều khả năng tiếp tục trầm cảm ở tuổi trưởng thành.

leftcenterrightdel
 Lo lắng, trầm cảm gia tăng ở những người lao động trẻ của Singapore.
 

Trong cuộc khảo sát của Telus Health, người lao động ở đây mất ít nhất 60 ngày làm việc mỗi năm vì lo lắng, trầm cảm hoặc mất ngủ. Số ngày lao động bị thiệt hại cao hơn ở những người có tình trạng bệnh không được chẩn đoán.

Mức giảm năng suất này lớn hơn nhiều so với các quốc gia khác được theo dõi như Mỹ, Anh và Canada.

Ngoài kinh tế, điều này còn gây thiệt hại về người. Năm 2022, có 476 vụ tự tử được báo cáo ở Singapore, con số cao nhất trong hơn 20 năm qua.

Trong khi các vấn đề về y tế, gia đình và các mối quan hệ là những nguyên nhân gây đau khổ thường gặp nhất, thì những khó khăn về việc làm và tài chính cũng ngày càng phổ biến.

Trong số những người 10-29 tuổi, các vụ tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu vào năm 2022.

John Shepherd Lim, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Singapore, cho biết trong văn phòng, động lực kém tạo gánh nặng lặng thầm. "Nhân viên đến văn phòng nhưng làm việc kém hiệu quả hơn đáng kể".

Lý do

Trong một báo cáo riêng vào tháng 3, Telus nhận thấy 55% công nhân địa phương cho biết thiếu các mối quan hệ đáng tin cậy ở nơi làm việc. Nó khiến họ cảm thấy bị cô lập và cô đơn.

Những người lao động dưới 40 tuổi có nguy cơ cảm thấy như vậy cao hơn 50% so với những người từ 50 tuổi trở lên. Những người này cũng thường cảm thấy không có ai đủ tin tưởng để sống đúng với con người thật của mình.

Khoảng 45% công nhân không nghĩ như vậy hoặc không chắc chắn liệu họ có thể lên tiếng về những khó khăn của mình mà không bị trả thù hay sỉ nhục.

leftcenterrightdel
 55% người lao động ở Singapore cho biết thiếu các mối quan hệ đáng tin cậy ở nơi làm việc.
 

Ông Lim tin rằng chi phí sinh hoạt cao ở Singapore, phù hợp với kỳ vọng sở hữu nhà riêng và tiết kiệm đủ để nghỉ hưu, gây áp lực lớn lên những người lao động trẻ.

Điều này đi kèm với một môi trường làm việc cạnh tranh, đánh mất cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân, dẫn đến kiệt sức. Vấn đề này càng trở nên tồi tệ hơn khi sự bất an tăng cao do tin tức về việc sa thải hàng loạt.

Trong một cuộc khảo sát năm 2023 của Milieu Insight, nỗi lo lắng về cha mẹ già đứng thứ 3 trong danh sách mối bận tâm của thế hệ trẻ Singapore trong độ tuổi 27-42. Ngược lại, những người cùng lứa tuổi ở Đông Nam Á lại lo lắng hơn về sức khỏe và thể chất.

Anthea Ong, người sáng lập WorkWell Leaders (WWL), tổ chức từ thiện khuyến khích các nhà lãnh đạo nâng cao sức khỏe tinh thần, cho biết: "Lần đầu tiên, chúng ta có cả một thế hệ bước vào lực lượng lao động với cái nhìn ảm đạm hơn trong mọi thước đo về hạnh phúc. Giới trẻ ngày nay đang trải qua thời kỳ bất ổn, bất an và đau khổ kéo dài, được đánh dấu bởi đại dịch, gián đoạn kinh tế và xung đột toàn cầu".

Bà Ong nói thêm rằng vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi những người trẻ tuổi đánh giá, so sánh thành công của họ so với hàng triệu người khác trong những bối cảnh rất khác nhau trên mạng xã hội.

Theo lifestyle.znews