Một số thay đổi lối sống lành mạnh, chẳng hạn như ăn một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường và các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, thời gian bạn tập thể dục cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn về lợi ích mà bạn gặt hái được.

Theo một nghiên cứu mới, những người tập thể dục muộn hơn trong ngày ít có khả năng mắc bệnh tiểu đường hơn so với những người tập thể dục vào buổi sáng, theo Times of India.

1. Giới thiệu về nghiên cứu

Nghiên cứu mới: Người tập thể dục muộn hơn sẽ giảm nguy cơ tiểu đường - ảnh 1

Theo một nghiên cứu mới, những người tập thể dục muộn hơn trong ngày ít có khả năng mắc bệnh tiểu đường hơn so với những người tập thể dục vào buổi sáng

SHUTTERSTOCK

Theo các nhà khoa học ở Hà Lan, tham gia tập thể dục thường xuyên vào cuối ngày giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn tuổi.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Diabetologia, tác động của việc tập thể dục đã được nghiên cứu trên 775 đàn ông và phụ nữ Hà Lan.

Những người tham gia có độ tuổi từ 45 đến 65 tuổi.

Họ được chia thành 3 nhóm dựa trên thời gian tập luyện của họ - buổi sáng (từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa), buổi chiều (12 giờ trưa đến 6 giờ chiều) hoặc buổi tối (từ 6 giờ chiều đến nửa đêm).

Cường độ tập luyện của họ từ trung bình đến mạnh mẽ.

2. Kết quả cho thấy điều gì?

Kháng insulin là khi các tế bào của cơ thể không phản ứng đúng cách với hormone insulin.

Điều này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2, tiểu đường thai kỳ và tiền tiểu đường.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cả hai nhóm sau đều giảm tình trạng kháng insulin - 18% đối với nhóm buổi chiều và 25% đối với nhóm buổi tối.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc thực hiện hầu hết các hoạt động thể chất từ vừa phải đến mạnh mẽ (MVPA) vào buổi chiều hoặc buổi tối, so với ban ngày, có liên quan đến việc giảm tới 25% tình trạng kháng insulin.

3. Những phát hiện này giúp ích như thế nào

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Những kết quả này cho thấy rằng thời gian hoạt động thể chất trong ngày có liên quan đến tác dụng có lợi của hoạt động thể chất đối với độ nhạy insulin”.

Họ nói thêm: “Các nghiên cứu sâu hơn nên đánh giá xem thời gian hoạt động thể chất có thực sự quan trọng đối với sự xuất hiện của bệnh tiểu đường loại 2 hay không, có tính đến ảnh hưởng của kiểu thời gian”, theo Times of India.

4. Yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2

Nghiên cứu mới: Người tập thể dục muộn hơn sẽ giảm nguy cơ tiểu đường - ảnh 2

Người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn

SHUTTERSTOCK

Dưới đây là một số yếu tố có thể khiến mọi người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn:

  • Những người trên 40
  • Những người có người thân bị tiểu đường
  • Người thừa cân hoặc béo phì
  • Người gốc Á, châu Phi-Caribbean hoặc châu Phi da đen

5. Triệu chứng của bệnh tiểu đường

Dưới đây là một số triệu chứng của bệnh tiểu đường cần chú ý:

  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường, đặc biệt là vào ban đêm
  • Luôn cảm thấy khát nước
  • Ngứa xung quanh bộ phận sinh dục
  • Vết cắt hoặc vết thương lâu lành hơn
  • Mờ mắt
  • Cảm thấy kiệt sức
  • Giảm cân đột ngột

Theo Thanh niên