leftcenterrightdel
Rau mùi chứa vitamin K, A, C tốt cho sức khỏe xương và tăng cường miễn dịch. 

Rau mùi là loại rau thơm được sử dụng rộng rãi không chỉ trong ẩm thực của Việt Nam mà còn thông dụng  trong nhiều món ăn ở châu Á, Mexico, Trung Đông và trên toàn cầu. 

Ngoài công dụng làm tăng mùi vị thơm ngon cho món ăn, không phải ai cũng biết những tác dụng đối với sức khỏe của rau mùi. 

3 lợi ích sức khỏe của rau mùi

1. Lá rau mùi giàu dinh dưỡng

Ngoài làm tăng thêm sự bắt mắt và ngon miệng cho món ăn, lá rau mùi còn bổ sung thêm nhiều dinh dưỡng cho bạn.

Một chén nhỏ lá rau mùi (khoảng 1 mớ rau mùi) cung cấp 16% nhu cầu vitamin K hàng ngày cho cơ thể, giúp xương chắc khỏe và vết thương mau lành. Nó cũng cung cấp 5% lượng vitamin A và 2% lượng vitamin C, hai loại vitamin thiết yếu đối với chức năng của hệ miễn dịch.

Ngoài ra, mớ lá mùi chỉ chiếm chưa đầy 1 calorie vào bữa ăn của bạn, thích hợp cho người muốn giảm cân.

2. Lá rau mùi chứa nhiều chất chống oxy hóa

Theo một bản báo cáo khoa học trên tập san Molecules năm 2022, ngoài hàm lượng vitamin, lá rau mùi còn chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa. Trong đó có các hợp chất polyphenol đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe.

Các chất chống oxy hóa polyphenol có công dụng giảm viêm và ngăn ngừa hư hại tế bào. Khi các tế bào bị hư hại tổn thương có thể trở thành tác nhân gây lão hóa sớm và tăng nguy cơ bệnh tật. Polyphenol do vậy góp phần chống lão hóa và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

3. Lá rau mùi tốt cho sức khỏe tim mạch

leftcenterrightdel
 Rau mùi giàu chất chống oxy hóa polyphenol nên có thể có lợi cho tim mạch.

Y học cổ truyền đã sử dụng những bộ phận khác nhau của cây rau mùi như hạt, rễ và lá mùi để chữa trị vết thương, chống viêm và các vấn đề về tiêu hóa. Lá rau mùi còn là loại rau thơm tốt cho người bệnh đái tháo đường.

Trong khi hầu hết các đặc tính của cây rau mùi chưa được nghiên cứu, thì báo cáo khoa học năm 2022 xuất bản trên tập san khoa học Molecules cho thấy lá rau mùi có thể có lợi cho tim mạch, chẳng hạn như điều hòa huyết áp và nhịp tim. Các nhà nghiên cứu cho rằng đó là nhờ vào hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong rau mùi.

Tuy nhiên, trong số 18 nghiên cứu mà báo cáo khoa học này đánh giá, chỉ có 2 nghiên cứu tiến hành trên người. Vì vậy, rau mùi chỉ được coi như loại rau thơm thêm vào món ăn của bạn, chứ không thể thay thế thuốc chữa bệnh đối với người bệnh tim mạch.

Người đang dùng thuốc có ý định ăn rau mùi với hàm lượng lớn như xay uống sinh tố hay ăn thay rau xanh thì cần tham khảo bác sĩ để tránh tương tác giữa thực phẩm và thuốc. Bởi theo Cơ sở Dữ liệu toàn diện Liệu pháp Thiên nhiên (Natural Remedies Comprehensive Database), rau mùi với hàm lượng lớn có thể tương tác với một số loại thuốc hay một số loại thảo mộc khác. 

Và cũng giống như những loại rau sống khác, mọi người, nhất là phụ nữ mang thai cần cẩn trọng để tránh nhiễm khuẩn khi ăn rau mùi theo dạng gỏi sống. Tốt nhất là thêm rau mùi vào canh hay đồ ăn nóng để đảm bảo tránh nhiễm khuẩn.

 Rau mùi mọc hoang ở Ðịa Trung Hải và Tây Á, được trồng từ lâu đời nhất trên thế giới. Ở nước ta, rau dùng làm gia vị và thuốc. Cây thu hoạch vào mùa xuân và hè, dùng tươi hay phơi khô. Quả chín thu hái vào mùa hạ, sấy khô.

BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ

Theo suckhoedoisong