Điện thoại di động ngày càng trở nên không thể thiếu trong cuộc sống. Vấn đề đặt ra là sử dụng điện thoại thường xuyên có gây hại hay không?
Một nghiên cứu mới cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nói chuyện điện thoại nhiều làm tăng đáng kể nguy cơ khởi phát huyết áp cao, đặc biệt ở những người nói chuyện điện thoại quá nhiều, theo tờ Express.
Thử nghiệm cho thấy chỉ 30 phút nói chuyện điện thoại mỗi tuần là đã có thể làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao - nguyên nhân chính gây ra các cơn đau tim và đột quỵ.
Các nhà khoa học đã phân tích hơn 200.000 người trên 30 tuổi từ Ngân hàng sinh học Anh, và theo dõi trong 12 năm.
Kết quả cho thấy chỉ 30 phút nói chuyện điện thoại mỗi tuần, ngay cả để chế độ "rảnh tay", cũng làm tăng 12% nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp. Hơn nữa, 6 giờ nói chuyện điện thoại mỗi tuần làm tăng nguy cơ lên 25%, so với nói chuyện điện thoại ít hơn 5 phút mỗi tuần.
Đặc biệt, người có tiền sử gia đình bị cao huyết áp, nếu nói chuyện điện thoại ít nhất 30 phút mỗi tuần, thì nguy cơ còn tăng cao hơn nữa, đến 33%.
Tác giả chính, Giáo sư Xianhui Qin, thuộc Đại học Southern Medical University, Quảng Châu (Trung Quốc), cho biết: Số phút nói chuyện điện thoại di động có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, càng nhiều phút thì nguy cơ càng cao.
Giáo sư Qin giải thích, nguyên nhân có thể do điện thoại phát ra mức năng lượng tần số vô tuyến thấp. Mà các nghiên cứu trước đây đã cho thấy điều này gây tăng đột biến huyết áp sau khi tiếp xúc trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, giáo sư cũng lưu ý rằng chỉ cần giới hạn thời gian nói chuyện điện thoại dưới 30 phút mỗi tuần thì sẽ không gặp phải tác hại này.
Do một số nghiên cứu trước đây không nhận thấy sử dụng điện thoại di động làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao, giáo sư Qin lưu ý cần phải nghiên cứu thêm. Nhưng tốt nhất nên hạn chế nói chuyện điện thoại di động ở mức tối thiểu để bảo vệ sức khỏe tim mạch, theo Express.
Theo Thanh niên