Trả lời nhật báo South China Morning Post (SCMP), tiến sĩ, bác sĩ Diane Tran - chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng đang làm việc tại bệnh viện Central Health (Hồng Kông) - cho biết cơ thể con người chứa từ 55-75% là nước, tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính. Nước bao quanh các tế bào cũng như là thành phần quan trọng trong máu của chúng ta.
Do đó, việc uống đủ nước rất quan trọng với sức khỏe tổng thể, không chỉ vậy, về lâu dài nó còn có thể giúp một người sống thọ hơn.
Một nghiên cứu lớn kéo dài trong 25 năm với sự tham gia của gần 16.000 người và được công bố gần đây bởi Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ (NHLBI Mỹ) đã phát hiện ra rằng những người trưởng thành thường xuyên uống đủ nước sẽ khỏe mạnh hơn, ít mắc một số bệnh mạn tính và sống lâu hơn những người không uống đủ nước.
Thành viên nhóm nghiên cứu, bà Natalia Dmitrieva - chuyên viên cấp cao tại Phòng thí nghiệm y học tái tạo tim mạch thuộc NHLBI Mỹ, cho biết khi tình trạng mất nước không được bù đắp trong thời gian dài có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa và tạo điều kiện khởi phát các bệnh mạn tính liên quan như tim mạch, tiểu đường loại 2, chứng mất trí, bệnh thận hay phổi…
Giải thích rõ hơn vì sao việc thiếu nước có thể làm tăng tốc độ lão hóa, bà Dmitrieva cho biết điều này có thể liên quan đến việc cơ thể sẽ bật cơ chế tự tiết kiệm nước khi chúng ta không uống đủ.
Chuyên gia Dmitrieva nói: "Uống ít nước làm tăng nồng độ natri và kích thích tiết hormone tác động lên thận, dẫn đến việc bài tiết nước tiểu cô đặc hơn. Mức độ tăng cao liên tục của các hormone này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các mô khác trong cơ thể, dần dần làm suy yếu chức năng của chúng và dẫn đến lão hóa nhanh".
"Các khuyến nghị do các tổ chức y tế khác nhau thống nhất rằng nam giới nên uống đủ từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày. Còn với phụ nữ thì nên duy trì uống đủ từ 1,6 đến 2,1 lít. Đây là khuyến nghị lượng tiêu thụ chuẩn dành cho những ngày bình thường, không có hoạt động thể thao cường độ cao hay ở trong môi trường nóng thời gian dài", bà Dmitrieva cho biết.
Nếu là người tập thể dục cường độ cao hoặc ở trong thời tiết nóng bức kéo dài, sự mất nước (phổ biến nhất là thông qua việc tiết mồ hôi) sẽ nhiều hơn nên cũng cần bù nước nhiều hơn.
Chuyên gia Dmitrieva cũng nhấn mạnh việc tự nhận biết nhu cầu bù nước của bản thân cho phù hợp cũng rất quan trọng. Bởi dù việc giữ đủ nước là cần thiết, nhưng nếu uống quá nhiều cũng có thể gây ra chứng "ngộ độc nước", khiến bạn bị hạ natri trong máu, ảnh hưởng chức năng thận, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo Thanh niên