Một nghiên cứu của UF Health, mạng lưới y tế liên kết với Đại học Florida (Mỹ), cho thấy đặc điểm di truyền ở một số bệnh nhân giúp họ kháng Covid-19 tốt hơn. Nghiên cứu do PGS Nguyễn Quốc Cường dẫn đầu tìm hiểu về khả năng mẫn cảm với Covid-19 dựa trên những khác biệt về di truyền, giúp mở ra khả năng phát triển những vắc xin riêng để tăng cường miễn dịch ở những nhóm người khác nhau.

Vai trò kiểu gien

Theo ông Cường, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu vì sao triệu chứng lâm sàng của Covid-19 lại khác nhau ở các bệnh nhân, khi một số người có triệu chứng nặng, còn một số người ít hoặc thậm chí không có triệu chứng.

"Hồi đầu đại dịch, chúng ta biết rằng các chuyên gia y tế vẫn phải làm việc, nhưng chúng ta chưa biết các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm Covid-19. Nếu bạn là nha sĩ hay điều dưỡng, nguy cơ khi phơi nhiễm trong môi trường chăm sóc y tế ra sao?", ông kể. Do đó, nhóm của ông muốn tìm hiểu sâu hơn về hệ miễn dịch, xem liệu có một số người được bảo vệ một cách tự nhiên tốt hơn những người khác hay không.

Người Việt năm châu: Nghiên cứu mới về Covid-19 của phó giáo sư gốc Việt - Ảnh 1.

PGS Cường tại phòng thí nghiệm của ông ở Đại học Florida

UFHealth

Nghiên cứu nêu cơ sở từ việc mỗi người đều có ADN chứa những mã gien riêng, quy định những đặc điểm khiến con người khác nhau, chẳng hạn như chiều cao, mắt nâu hay xanh, tóc xoăn hay thẳng. Mỗi cá nhân đều thừa hưởng từ cha và mẹ mỗi người 1 alen (dạng cụ thể của gien, có chức năng di truyền nhất định). Một số cặp alen sẽ ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ nhiều hay ít từ việc tiếp xúc SARS-CoV-2, vi rút gây Covid-19. Ông Cường cho biết những người có alen mang tính bảo vệ cao sẽ có nhiều kháng nguyên hơn và phản ứng tốt hơn với vi rút. Tuy nhiên, ngay cả khi ai đó có alen có nguy cơ mắc bệnh, giới khoa học vẫn có thể điều chỉnh một cách có chủ ý các protein của vi rút để tạo ra phản ứng miễn dịch bảo vệ.

Triển vọng vắc xin

Nghiên cứu được tiến hành đối với 295 trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19 và 95 cá nhân khỏe mạnh để đối chứng. Nhóm nghiên cứu còn xem xét các trường hợp có tổ tiên là người gốc Âu và gốc Phi. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt về tính mẫn cảm với Covid-19 ở 2 nhóm người này. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận thấy về tổng quan rằng những người có kiểu gien khác nhau sẽ có tính mẫn cảm với Covid-19 khác nhau.

"Với kết quả này, mục tiêu của chúng tôi là có thể thiết kế một loại vắc xin mà hệ thống miễn dịch công nhận là có tác dụng bảo vệ dựa trên alen kháng nguyên bạch cầu người (HLA)", theo ông Cường. Chuyên gia này cho biết vắc xin lý tưởng là loại được bào chế riêng cho từng kiểu gien và hoạt động cơ bản là cắt vụn những protein của vi rút Covid-19. "Một khi chúng ta hiểu về kiểu gien hơn, chúng ta có thể thiết kế một vắc xin hiệu quả hơn, đặc biệt là trong việc đối phó lây nhiễm đột phá của Covid-19", ông phân tích.

PGS Cường hiện làm việc tại Đại học Florida và đã tiến hành hàng loạt nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu về cơ chế phát sinh bệnh của hội chứng Sjogren, tức hội chứng rối loạn tự miễn dịch do rối loạn chức năng của các tuyến ngoại tiết trên cơ thể. 

Theo Thanh niên