1. Hậu quả của nghiện rượu là gì?
1.1 Với xã hội
Nghiện rượu gây ra nhiều hệ lụy với xã hội bao gồm gánh nặng cho hệ thống y tế, ảnh hưởng tới nền kinh tế do người lao động mất khả năng lao động, nghỉ hưu sớm. Bên cạnh đó, nghiện rượu còn có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, tội phạm và tỷ lệ ly hôn cao...
1.2 Với sức khỏe của người bệnh
Rượu là đồ uống có chứa cồn, nếu sử dụng với lượng lớn, trong thời gian dài có thể gây xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản, chảy máu dạ dày, viêm tuyến tụy, động kinh, ung thư thực quản, viêm cơ tim, viêm cơ, giảm đề kháng... gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh viêm phổi và lao, các bệnh thần kinh và rối loạn chức năng não như hội chứng Korsakoff...
2. Dấu hiệu thường gặp ở người nghiện rượu là gì?
- Không thể giới hạn lượng rượu uống.
- Muốn cắt giảm số lượng rượu uống hoặc thực hiện việc cắt giảm không thành công
- Dành nhiều thời gian để uống rượu.
- Cảm thấy thèm uống rượu mạnh.
- Không thể hoàn thành công việc do uống rượu.
- Từ bỏ, giảm bớt hoặc không còn hứng thú với các hoạt động xã hội, công việc cũng như sở thích.
- Tiếp tục uống rượu mặc dù biết rằng nó gây ra hậu quả xấu.
- Sử dụng rượu trong các tình huống không an toàn như đang lái xe hoặc đang bơi…
Nghiện rượu để lại nhiều hậu quả với sức khỏe.
3. Y học cổ truyền hỗ trợ cai nghiện rượu
Khi uống rượu sẽ tác động vào các tạng phủ đặc biệt là các tạng Tâm, Can, Tỳ và các phủ là Đởm, Vị. Rượu ảnh hưởng lên Tâm và Can gây rối loạn thần minh (Tâm tàng thần, Can tàng ý) xuất hiện các chứng như không tự chủ được, cười nói nhiều hoặc trầm cảm, cáu gắt, kích thích. Rượu ảnh hưởng đến tạng Tỳ gây cho người bệnh buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi. Lâu dần các chứng trạng trên càng nặng nề hơn. Người bệnh gầy yếu, tay chân run, ăn ngủ kém, sa sút trí tuệ, không tập trung chú ý khi làm việc, khả năng làm việc giảm dần.
Dùng thuốc Y học cổ truyền giúp: Bồi bổ nguyên khí, điều hòa ngũ tạng, thông khí huyết giúp người bệnh phục hồi sức khỏe. Phương pháp điện châm, thủy châm, kết hợp thuốc y học cổ truyền cho kết quả điều trị đạt hiệu quả cao và an toàn, giảm thiểu tối đa các triệu chứng của hội chứng cai rượu.
- Điện châm: Có tác dụng làm tăng hàm lượng β- endorphin. Nếu điện châm đúng phương pháp (đúng thời điểm, đúng phác đồ, kích thích huyệt hợp lý) thì sau khi điện châm hàm lượng β- endorphin trong máu bệnh nhân sẽ tăng cao hơn so với giai đoạn tiền cơn, làm tăng hàm lượng morphin nội sinh trong cơ thể người nghiện... từ đó hỗ trợ cắt cơn nghiện.
- Thủy châm: Các nhóm vitamin B1, B6, B12 giúp nâng cao sức đề kháng cho người bệnh.
Thủy châm là một trong những phương pháp hỗ trợ người bệnh cai nghiện rượu.
4. Các loại thực phẩm hỗ trợ người đang cai nghiện rượu
4.1 Trái cây và rau củ
Nên ăn trái cây có múi như cam, quýt, bưởi... Vitamin C trong những loại trái cây này sẽ giúp người bệnh tăng cường hệ thống miễn dịch ở một mức độ nào đó và giúp cơ thể phục hồi dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, khi cai nghiện rượu, người bệnh sẽ thèm đồ ăn ngọt. Trong đó, trái cây có chứa đường tự nhiên là lựa chọn tốt nhưng không nên ăn quá nhiều vì không có lợi cho sức khỏe tổng thể.
Trái cây và rau củ là thực phẩm chứa đường tốt cho người cai nghiện rượu thèm đồ ngọt.
4.2 Thực phẩm ít chất béo
Chế độ ăn ít chất béo như cá trắng, cá nạc, ức gà… sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi cho những người đang cai nghiện rượu. Trong vài ngày đầu điều trị, người bệnh có thể chán ăn nhưng khi giai đoạn này qua đi, cảm giác thèm ăn trở lại khiến họ ăn nhiều hơn.
Do đó, thực phẩm ít chất béo có thể giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn và giảm nguy cơ tái phát nghiện rượu.
Món ăn từ cá trắng có ít chất béo, giảm nguy cơ tái nghiện rượu.
4.3 Chế độ ăn giàu đạm
Khi giai đoạn thèm ăn kết thúc, chế độ ăn giàu protein nên được áp dụng cho người cai nghiện rượu với mục đích kiểm soát cơn đói và thúc đẩy quá trình phục hồi.
Những sản phẩm từ sữa ít béo cũng nên khuyến khích người đang trong quá trình cai nghiện rượu sử dụng. Tuy nhiên, cần theo dõi lượng protein được cung cấp vì quá nhiều protein có thể gây áp lực lên thận.
Chế độ ăn giàu đạm giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn.
4.4 Ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc như đậu, mì ống, bánh mì, bột yến mạch, gạo lứt và lúa mạch là nguồn chất xơ dồi dào, đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi nhanh chóng của những người cai nghiện rượu. Người bệnh nên chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế vì hàm lượng chất béo thấp, chất xơ phong phú, cải thiện tiêu hóa.
Ngũ cốc nguyên hạt hỗ trợ tiêu hóa cho người cai nghiện rượu.
4.5 Chất lỏng
Cùng với các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe được liệt kê ở trên, điều quan trọng là người bệnh phải luôn giữ cho cơ thể đủ nước.
Nên uống nước ép trái cây tươi, sữa tách kem và nước lọc với lượng nước được khuyến cáo mỗi ngày để cơ thể đào thải độc tố ra ngoài.
Theo suckhoedoisong.vn