Thời gian qua, nước ta đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm với nhiều người mắc, trong đó có trường hợp đang mang thai bị ngộ độc nặng phải hồi sức tích cực.
Theo các bác sĩ, nước ta thuộc khu vực nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển và nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra. Do đó, việc phòng ngừa nguy cơ này luôn là điều cần được chú ý, đặc biệt phụ nữ mang thai là một trong những nhóm cần thận trọng hơn cả.
Bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, sở dĩ thai phụ thuộc nhóm dễ bị ngộ độc thực phẩm bởi quá trình tiêu hóa thức ăn ở phụ nữ mang thai thường chậm hơn hơn so với người bình thường để cơ thể hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng nhất từ các thực phẩm thu nạp vào. Tuy nhiên, nếu như thực phẩm không an toàn, nhiễm vi khuẩn gây bệnh hoặc độc chất thì quá trình tiêu hóa chậm như vậy lại khiến chất độc hấp thu vào cơ thể nhiều hơn và việc đào thải cũng lâu hơn so với thông thường. Do đó, phụ nữ mang thai cần hết sức thận trọng, đảm bảo vệ sinh ăn uống và lựa chọn thực phẩm an toàn để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm khi mang thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà mẹ và em bé.
Thứ nhất, thai phụ dễ rơi vào tình trạng bị mất nước do tiêu chảy, nôn ói. Bản thân thể tích tuần hoàn của phụ nữ mang thai tăng gấp 1,5 lần so với bình thường để có thể cung cấp máu cho cả hai mẹ con. Do đó, khi thai phụ bị mất nước có thể dẫn đến rối loạn tuần hoàn, tụt huyết áp và gây nguy hiểm cho thai nhi.
Thứ hai, một số loại ký sinh trùng gây ngộ độc thực phẩm có thể lây truyền từ mẹ sang con. Chẳng hạn như Toxoplasma – một loại ký sinh trùng có nhiều trong các loại phân động vât như chó, mèo… Toxoplasma có thể tồn tại trong thức ăn và lây qua đường tiêu hóa khi ăn thực phẩm tái sống, ăn trái cây, rau xanh chưa được rửa sạch. Nếu mẹ bầu bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma thì có thể khiến thai nhi bị nhiễm trùng bẩm sinh và có nguy cơ gặp phải các vấn đề về mắt, tim, não, rối loạn máu và chậm phát triển. Thậm chí, có nhiều trường hợp thai nhi bị chết lưu do nhiễm bệnh.
Thứ ba, khi thai phụ bị đau bụng, rất khó để phân biệt được đó là đau bụng do dọa đẻ non hay do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Do đó, dễ dẫn đến rủi ro nếu bà mẹ chủ quan và không đến bệnh viện sớm.
BS Phan Chí Thành khuyến cáo, khi có triệu chứng đau bụng, thai phụ không nên ở nhà tự điều trị mà cần đến ngay cơ sở y tế để được khám bệnh và có hướng xử trí kịp thời.
“Tốt nhất, bạn nên đến khám tại cơ sở y tế đa khoa có chuyên khoa sản để được phối hợp, điều trị, theo dõi cho cả mẹ và thai nhi. Còn nếu không, bạn nên đến có sở sản khoa khám trước. Sau khi loại trừ các nguyên nhân liên quan đến tai biến sản khoa, xác định thai nhi an toàn thì có thể chuyển sang khám chuyên khoa tiêu hóa” – BS Phan Chí Thành hướng dẫn.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với mọi người nói chung và với thai phụ nói riêng, theo bác sĩ Phan Chí Thành, điều quan trọng nhất là thực hiện ăn chín, uống sôi. Thai phụ nên hạn chế ăn thực phẩm tái sống, rau sống, các món gỏi, sushi...
Nếu mua được các loại rau củ quả an toàn, chế biến tại gia đình, có đủ nước sạch để rửa kỹ nhiều lần thì bà mẹ mang thai có thể sử dụng các loại rau sống hay món salat. Tuy nhiên, nếu đi ăn ở hàng quán bên ngoài thì thai phụ tuyệt đối không ăn rau sống hoặc thực phẩm chưa được nấu chín.
BS Phan Chí Thành cũng lưu ý, bà mẹ mang thai cần hết sức cẩn thận khi chế biến thực phẩm tươi sống. Tốt nhất mẹ bầu cần được ưu tiên không phải chế biến thực phẩm tươi sống hoặc nếu làm thì nên đeo găng tay.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai nên hạn chế tiếp xúc với vật nuôi và chất thải như chó, mèo, chim cảnh để tránh lây nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh nguy hiểm.
Theo vov