Ngoại giao y tế chiếm vị trí quan trọng trong hỗ trợ y tế quốc tế và quan hệ chính trị quốc tế. Y tế và ngoại giao y tế có thể đóng vai trò vừa thúc đẩy lợi ích ngoại giao quốc gia cụ thể, vừa thúc đẩy mục tiêu chung là bảo đảm an ninh y tế toàn cầu. Ngoại giao y tế toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác của nhiều quốc gia để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm.
Ngoại giao y tế là một loại hình ngoại giao nhằm bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của người dân vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Nó đòi hỏi phải tận dụng các mối quan tâm liên quan đến sức khỏe để tăng cường mối quan hệ, thúc đẩy hòa bình và ổn định quốc tế.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Y tế 20 |
Các cuộc thảo luận của H20 tập trung vào vai trò ngày càng tăng của ngoại giao y tế toàn cầu trong các nước G20 và G7. Các chủ đề chính bao gồm tài chính bền vững cho y tế toàn cầu, thu hẹp khoảng cách giữa cộng đồng đầu tư và y tế, đồng thời giới thiệu các sáng kiến y tế toàn cầu mới.
Bằng cách cung cấp một nền tảng hợp tác và toàn diện giữa cộng đồng y tế toàn cầu truyền thống và các lĩnh vực liên quan bao gồm thế giới chính trị và tài chính, các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh H20 giúp tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau trước các thách thức y tế toàn cầu. Qua đó, có thể huy động hành động chính trị cũng như nền kinh tế lành mạnh và bền vững hơn để đáp ứng các mục tiêu của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Theo WHO, trong giai đoạn thế giới đau đầu với một loạt đại dịch gây chết chóc, từ Cái chết đen (dịch hạch), cúm Tây Ban Nha, cúm châu Á tới SARS hay Ebola, để quản lý và bảo vệ y tế và thương mại khỏi tác động tiêu cực của đại dịch, nhiều quốc gia đã cùng đạt được một số thỏa thuận, bắt đầu từ thực hành kiểm dịch. Quá trình đó hình thành nên nền ngoại giao y tế, tăng cường kết nối giữa y tế với chính sách đối ngoại.
Đại dịch Covid-19 chứng minh sự phụ thuộc lẫn nhau của thế giới. Không quốc gia nào dù cố gắng đến đâu có thể tự đứng đơn phương. Thế giới cần có kế hoạch tập thể để phát triển vaccine và một cơ quan điều phối mọi nỗ lực toàn cầu là nhu cầu của thời đại. COVAX là sáng kiến do WHO và Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) đề xuất thành lập nhằm cung cấp vaccine chống dịch Covid-19 miễn phí và hỗ trợ vật tư, kỹ thuật để tiêm chủng cho khoảng 15-16% dân số toàn cầu, tối đa 20% dân số cho 92 quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
|
Các nước có cơ chế hỗ trợ vaccine lẫn nhau trong đại dịch Covid-19 |
Trong đại dịch, Australia hỗ trợ cam kết COVAX AMC nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của các quốc gia khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á với vaccine Covid-19 một cách an toàn, hiệu quả cùng mức giá hợp lý. Australia đã chung tay cùng các nhà tài trợ chính khác như Anh, Canada, Italy, Thụy Điển… Cam kết COVAX AMC là một phần của COVAX Facility, một cơ chế toàn cầu nhằm bảo đảm sự tiếp cận nhanh, công bằng và bình đẳng với các loại vaccine Covid-19.
GAVI thường giúp các nước thu nhập thấp mua vaccine để bảo vệ người dân trước những căn bệnh gây chết người. Kể từ năm 2020, khoảng 1 tỷ trẻ em đã được tiêm chủng theo chương trình này của GAVI. Liên minh cũng dự kiến thành lập một quỹ ứng phó đại dịch trị giá 500 triệu USD để hành động nhanh chóng trước các đợt bùng phát dịch bệnh lớn.
Các vấn đề sức khỏe đang ngày càng trở nên mang tính chất toàn cầu. Điều này dẫn đến những lời kêu gọi nỗ lực ngoại giao quốc tế nhiều hơn. Hiện GAVI đang lên kế hoạch huy động khoảng 11,9 tỷ USD từ các chính phủ để tài trợ cho các chương trình tiêm chủng ở những quốc gia nghèo trong giai đoạn 2026-2030. Các nhà lãnh đạo thế giới, nhóm y tế và công ty dược phẩm vừa công bố khoản tài trợ trị giá 1,2 tỷ USD dành cho việc tăng cường sản xuất vaccine ở châu Phi. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, 75% số tiền tài trợ đến từ châu Âu. Đức đóng góp 318 triệu USD cho chương trình này, trong khi Pháp đầu tư 100 triệu USD, Anh đầu tư 60 triệu USD. Ngoài ra, khoản tài trợ trên còn được dùng để thành lập một cơ quan dược phẩm của châu Phi, tương tự Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu.
Theo thoidai