Những người ngủ từ 6 - 7 giờ mỗi đêm thực sự có nguy cơ tử vong do đau tim hoặc đột quỵ thấp nhất - SHUTTERSTOCK
Khi nói đến giấc ngủ, mọi người thường nghĩ "ngủ càng nhiều càng tốt". Nhưng theo một nghiên cứu mới của Đại học Tim mạch Mỹ thì không đơn giản như vậy.
Nghiên cứu nói gì?
Đối với nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu được thu thập trong Khảo sát Kiểm tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia Mỹ, theo dõi phản hồi từ hơn 14.000 người trong thời gian trung bình 7,5 năm. Những người được khảo sát ở lứa tuổi trung bình là 46 tuổi.
Các nhà nghiên cứu đã đặc biệt thu thập thời gian ngủ của những người tham gia cũng như điểm số nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch và mức độ protein phản ứng C của họ - đây là một dấu hiệu viêm dẫn đến bệnh tim.
Điều thú vị là kết quả cho thấy ngủ trong khoảng thời gian này dẫn đến điểm số nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch thấp hơn hẳn. Điểm số này càng cao thì nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ càng cao.
Cụ thể, những người ngủ từ 6 - 7 giờ mỗi đêm thực sự có nguy cơ tử vong do đau tim hoặc đột quỵ thấp nhất so với những người ngủ ít hơn 6 tiếng hoặc nhiều hơn 7 tiếng, theo Mbg.
Để giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và các vấn để về tim khác, một trong những cách đơn giản nhất là tuân theo một lịch trình ngủ ổn định - SHUTTERSTOCK
Dựa trên những kết quả này, nghiên cứu cho thấy ngủ từ 6 - 7 tiếng ít là tốt nhất cho tim. Tác giả chính của nghiên cứu, bác sĩ Kartik Gupta, lưu ý rằng, những người ngủ ít hơn 6 tiếng hoặc nhiều hơn 7 tiếng có nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn, theo Mbg.
Nếu ngủ nhiều hơn 7 tiếng thì điểm số nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch không cao hơn, nhưng mức độ protein phản ứng C cao hơn.
Cần lưu ý rằng nghiên cứu mới này đưa ra khoảng thời gian ngủ tốt nhất là 6 - 7 tiếng, trong khi Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ khuyến nghị, nên ngủ từ 7 - 9 tiếng mỗi đêm. Vì vậy, cần nhiều nghiên cứu thêm để xác nhận thêm các kết quả.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, nhu cầu ngủ của mỗi người mỗi khác. Ngoài việc đặt mục tiêu ngủ bao nhiêu mỗi đêm, cần phải xem cảm giác của bạn khi thức dậy vào buổi sáng để biết bạn ngủ có ngon giấc hay không, theo Mbg.
Bởi vì không phải ngủ đủ 7 tiếng là ngủ ngon giấc cả 7 tiếng, bác sĩ Gupta nhắc lại.
Tất nhiên, đừng hoảng sợ nếu thỉnh thoảng có một đêm khó ngủ. Tác hại của việc thiếu ngủ tích lũy theo thời gian, phải sau một thời gian dài thì thiệt hại mới xảy ra", bác sĩ Gupta lưu ý.
Nhưng để giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và các vấn để về tim khác, một trong những cách đơn giản nhất là tuân theo một lịch trình ngủ ổn định.
Theo thanhnien