1. Đặc điểm của cây ngũ gia bì

Ngũ gia bì còn có tên gọi khác là cây đáng, cây lằng, ngũ gia bì chân chim, thuộc chi chân chim, họ ngũ gia bì. Tên khoa học: Schefflera octophylla.

Cây có chiều cao trung bình 2-8 m, lá kép chân vịt, mỗi lá có 6-8 lá chét, phiến lá hình trứng, mọc so le nhau. Quả mọng hình cầu màu tím đen khi chín. Hoa mọc thành chùm, màu trắng, nhỏ.

Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ thân, rễ, lá cây.

Vị thuốc ngũ gia bì, vỏ thân cây ngũ gia bì vị đắng cay tính ôn, quy kinh phế, thận, can.

2. Một số bài thuốc từ ngũ gia bì

- Trị liệt dương, mệt mỏi, đau nhức xương khớp: Ngũ gia bì sao vàng 100g, rượu 30 độ 1 lít.

Đem ngũ gia bì ngâm rượu trong 10 ngày, dùng 10ml/ngày.

- Trị thận khí hư hàn gây tiểu ít, tiểu són, đau lưng mỏi gối: Xà sàng tử, can khương, đỗ trọng, thục địa, hoài sơn, thiên môn mỗi thứ 100g, ngũ gia bì 120g, địa cốt bì 80g, rượu 700ml, đường 900g.

Đem các thảo dược trên ngâm rượu trong 2 ngày đêm, thêm đường vào. Mỗi lần uống 10ml, ngày 2 lần.

- Trị tỳ vị hư nhược, ăn uống kém, cơ nhược nhão, chân tay yếu mềm: Hoài sơn 12g, ngũ gia bì 16g, cao lương khương 10g, bạch truật 10g, đương quy 16g, biển đậu 16g, đinh lăng 10g, trần bì 10g, táo tàu 5 quả. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng- chiều.

photo-1695373848353

Vị thuốc ngũ gia bì.

- Trị đau cổ, vai do hàn thấp: Kinh giới, thổ phục linh, ngũ gia bì, tang ký sinh, rễ cỏ xước, mỗi thứ 16g, quế chi, phòng phong, cố chỉ, mỗi thứ 10g, tế tân 6g. Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 1 thang, chia 2 lần sáng- chiều.

- Trị viêm khớp, sưng đau các khớp, khả năng vận động suy giảm: Cát căn 16g, ngũ gia bì 16g, ngài diệp 16g, trinh nữ 16g, tục đoạn 20g. Các vị thuốc trên sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng- chiều.

- Trị yếu sinh lý nam giới: Cam thảo 10g, ngũ gia bì 10g, kỷ tử 12g, thục địa 12g, phá cố chỉ 10g, cẩu tích 10g, hạt sen 12g, nhục dung 10g, TẦn giao 10g, thỏ ty tử 16g. Các vị thuốc đem sắc với 1,8 lít nước, còn lại 400ml, bỏ bã, chia nước sắc thành 2 lần uống trong ngày.

- Trị viêm tinh hoàn do bệnh quai bị: Trần bì 10g, ngũ gia bì 16g, lệ chi 10g, quế chi 6g, bách hội 10g, đinh lăng 16g, bạch truật 12g, xa tiền tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng- chiều.

photo-1695373849852
 

Vị thuốc trần bì

3. Kiêng kỵ khi dùng ngũ gia bì làm thuốc

  • Không dùng ngũ gia bì cho người dị ứng với thảo dược.
  • Không dùng cho người âm hư hỏa vượng: Nóng trong, chân tay nóng, người gầy, khô khát.
  • Ngũ gia bì phối hợp với các dược liệu có tính nóng như can khương gây hại cho phụ nữ có thai.
  • Trong quá trình sử dụng, nếu như thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường thì tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
  • Ngoài ra, tránh nhầm ngũ gia bì với cây đùm đũm (cây ngấy) tên khoa học Rubus cochinchinensis Tratt, họ Hoa hồng (Rosaceae) cũng có nơi được gọi là cây ngũ gia bì trong dân gian.

Theo suckhoedoisong.vn