Khi thở, chúng ta sẽ hít không khí đi qua vùng hầu họng và vào phổi. Trong tư thế nằm, vùng hầu họng bị bó hẹp lại. Luồng không khí đi qua vùng hẹp này sẽ làm rung các niêm mạc và tạo ra tiếng ngáy, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Cảm cúm và dị ứng sẽ gây nghẹt mũi, chảy nước mũi. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ ngáy khi ngủ. Nhưng đến khi khỏi bệnh, ngáy sẽ hết. Nhưng đối với một số người, ngáy là vấn đề mạn tính.
Tiếng ngáy có thể gây khó chịu cho người ngủ chung giường hay những người còn thức. Nhưng ngoài tác động xã hội này, ngáy mạn tính có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiệm trọng cần được điều trị.
Ngáy là một trong những triệu chứng phổ biến của chứng ngưng thở khi ngủ, một loại rối loạn giấc ngủ. Vùng hầu họng không chỉ rung mà còn bị tắc nghẽn liên tục, làm ngăn cản không khí đi vào phổi, từ đó giảm lượng ô xy lên não và khiến khó ngủ sâu. Người mắc sẽ có ít nhất 10 lần bị ngưng thở hoàn toàn khi ngủ trong một đêm. Đây là vấn đề nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong do thiếu ô xy.
Không phải ai cứ ngáy là bị ngưng thở khi ngủ. Do đó, tình trạng này cần phải được chẩn đoán. Để tìm hiểu nguyên nhân của ngưng thở khi ngủ, bác sĩ có thể kiểm tra vùng đầu và cổ để tìm xem có bất thường không.
Các triệu chứng thường gặp của ngưng thở khi ngủ là ngủ ngáy và có những lần ngưng thở. Biểu hiện này người bệnh không biết mà thường chỉ có người ngủ cùng giường mới nhận ra. Khi thức dậy vào buổi sáng, người bệnh sẽ đau đầu không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, thiếu năng lượng, huyết áp cao hay rối loạn nhịp tim.
Với ngưng thở khi ngủ, người bệnh cần được điều trị kịp thời. Các triệu chứng có xu hướng nặng hơn khi tuổi cao và tăng cân.
Các nghiên cứu cho thấy thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, yếu tố di truyền, sưng amiđan và nghẹt mũi cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện ngưng thở khi ngủ, theo Healthline.
Ngưng thở khi ngủ có thể được kiểm soát bằng cách ngủ nằm nghiêng, giảm cân, tránh xa rượu bia, không uống cà phê gần giờ đi ngủ. Bác sĩ cũng có thể khuyến cáo sử dụng một số thiết bị nha khoa để nâng hàm hay phẫu thuật mũi họng nếu cần thiết.
Theo Thanh niên