Nhiều người cho rằng, ngủ trên sàn giúp họ có giấc ngủ ngon hơn, cải thiện tư thế và giảm đau lưng. Vậy ngủ trên sàn có thực sự tốt như vậy hay không?
1. Ưu điểm của việc ngủ trên sàn nhà
Dưới đây là những lợi ích nổi bật của việc ngủ trên sàn nhà
- Giúp giảm đau lưng
Nhiều quan điểm, bao gồm cả 75% bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình cho rằng nệm cứng hơn sẽ tốt hơn cho bệnh đau lưng. Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia cũng khuyến cáo những người bị đau lưng nên ngủ trên bề mặt chắc chắn, có thể bao gồm cả sàn có đệm.
Để lý giải cho điều này, bạn có thể hiểu rằng khi ngủ trên nệm quá mềm so với trọng lượng cơ thể, bạn dễ bị lún sâu vào nệm. Từ đó có thể dẫn đến tư thế ngủ kém, khiến cột sống của bạn bị cong không thẳng hàng. Sự sai lệch này có thể làm tăng áp lực lên cột sống của bạn và góp phần gây đau lưng.
- Cải thiện tư thế
Tư thế xấu có thể là một nguyên nhân khác gây đau lưng và dẫn đến các vấn đề khác như giảm tính linh hoạt, lệch cột sống và tăng nguy cơ chấn thương.
Tư thế tốt hỗ trợ độ cong tự nhiên của cột sống. Ngủ trên sàn có thể giúp bạn dễ dàng giữ thẳng cột sống hơn khi ngủ vì bạn không phải lo lắng về việc lún quá sâu vào nệm. Tuy nhiên, bạn có thể cần sử dụng gối để giảm áp lực lên cột sống, chẳng hạn như đặt một chiếc gối mỏng bên dưới lưng dưới.
- Nhiệt độ mát hơn
Quá nóng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Việc ngủ trên sàn được cho là có thể giúp bạn cảm thấy mát hơn. Nhiệt độ lý tưởng để ngủ là khoảng 18 đến 20 độ C.
Tùy thuộc vào cách xây dựng và các yếu tố khác của ngôi nhà, nhiệt độ phòng ngủ trên sàn có thể mát hơn tới 9 độ so với chiều cao của giường. Điều này có nghĩa là ngủ trên sàn có thể sẽ mát hơn và bạn cảm thấy dễ ngủ hơn.
- Tốt cho người bị đau thần kinh toạ
Đau thần kinh tọa là cơn đau liên quan đến dây thần kinh tọa, chạy từ lưng dưới đến hông, mông và mỗi chân. Nguyên nhân thường do đĩa đệm bị phồng hoặc thoát vị.
Giống như chứng đau lưng, chứng đau thần kinh tọa có thể được cải thiện bằng cách ngủ trên những tấm nệm hoặc bề mặt cứng hơn. Bề mặt mềm hơn có thể khiến tình trạng đau thần kinh tọa trở nên trầm trọng hơn vì nó làm cong lưng và gây căng thẳng cho các khớp của bạn.
Tuy nhiên, tác dụng này chưa được chứng minh nên tùy vào tình trạng sức khoẻ, mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi ngủ sàn hay ngủ bằng đệm cứng.
2. Nhược điểm của việc ngủ trên sàn nhà
Bên cạnh những ưu điểm, ngủ trên sàn cũng có những nhược điểm, gây ra một số sự khó chịu về mặt sức khoẻ.
- Gây đau lưng
Như đã đề cập, ngủ trên sàn có thể giúp giảm đau lưng nhưng một số người lại cảm thấy bị đau lưng. Lý do là vì nếu không có lớp đệm thích hợp xung quanh các điểm chịu áp lực như hông và vai, ngủ trên sàn có thể gây cứng khớp và khó chịu.
Trong một nghiên cứu năm 2003 được công bố trên The Lancet, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bề mặt cứng hơn có ít lợi ích hơn.
- Phản ứng dị ứng
Sàn nhà thường có nhiều bụi bẩn, mạt bụi, nấm mốc,... hơn so với các bề mặt khác xung quanh nhà.
Nếu bạn dị ứng với các chất này, ngủ trên sàn có thể gây ra các triệu chứng dị ứng như:
+ Hắt hơi
+ Sổ mũi
+ Ngứa, đỏ mắt
+ Ho
+ Thở khò khè
+ Khó thở
|
|
Ngủ trên sàn có thể làm tăng nguy cơ dị ứng (Ảnh: ST) |
- Khiến bạn cảm thấy lạnh hơn
Sàn nhà thường mát hơn phần còn lại của căn phòng. Bạn có thể cảm thấy dễ chịu khi ngủ trên sàn trong những tháng hè.
Nhưng vào mùa đông, sàn nhà lạnh có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể nhanh chóng, khiến bạn cảm thấy lạnh hơn bình thường.
3. Ai không nên ngủ trên sàn nhà?
Ngủ trên sàn không phải dành cho tất cả mọi người. Thói quen ngủ này có thể không an toàn đối với một số cá nhân, bao gồm:
- Người cao tuổi: Khi chúng ta già đi, xương của chúng ta trở nên yếu hơn và chúng ta mất đi chất béo. Ngủ trên sàn có thể làm tăng nguy cơ gãy xương hoặc cảm thấy quá lạnh.
- Những người dễ bị lạnh: Các tình trạng như thiếu máu, tiểu đường loại 2 và suy giáp khả năng chịu lạnh kém hơn bình thường. Do vậy, ngủ trên sàn có thể khiến bạn cảm thấy lạnh hơn.
- Những người có khả năng di chuyển hạn chế: Nếu bạn gặp khó khăn khi ngồi trên sàn hoặc đứng dậy, thay vào đó hãy ngủ trên giường. Bạn cũng nên tránh ngủ trên sàn nếu bạn có vấn đề về khớp như viêm khớp.
Phụ nữ mang thai và em bé ngủ trên sàn có an toàn không?
Nói chung, việc ngủ trên sàn khi mang thai được coi là an toàn. Nhiều bà bầu cảm thấy thoải mái nhất khi ngủ trên sàn nhà. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý là khi nằm xuống sàn hoặc đứng lên mà bạn cảm thấy khó khăn và khó chịu, thì tốt hơn hết bạn không nên nằm sàn.
Việc cho bé ngủ trên sàn cũng an toàn nhưng nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nhi. Những trẻ có cơ địa yếu nên cẩn trọng khi cho trẻ ngủ trên sàn vì dễ bị dị ứng hoặc cảm lạnh.
4. Cách ngủ trên sàn đúng cách
Dưới đây là một số mẹo bạn có thể làm theo để ngủ trên sàn một cách thoải mái:
- Hỗ trợ tư thế ngủ
Bạn có thể lựa chọn tư thế ngủ mà cảm thấy thoải mái nhất nhưng nên lưu ý:
+ Người ngủ nằm ngửa có thể đặt một chiếc gối mỏng bên dưới lưng và một chiếc gối khác dưới đầu gối để giảm áp lực ở lưng dưới. Để hỗ trợ cột sống thẳng hàng, gối đầu phải lấp đầy khoảng trống giữa cổ và sàn. Một chiếc gối có độ cao hoặc độ dày vừa phải thường phù hợp nhất cho người ngủ ngửa.
+ Người ngủ nghiêng có thể đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối để giải tỏa căng thẳng. Một chiếc gối mỏng bổ sung giữa thắt lưng và sàn cũng có thể tạo cảm giác thoải mái.
+ Người nằm sấp có nguy cơ bị mỏi cổ và lưng. Để tránh điều này, hãy thử ngủ mà không kê gối đầu (hoặc kê một chiếc gối thật mỏng). Một chiếc gối nhỏ đặt dưới hông cũng có thể làm giảm bớt sự khó chịu.
- Giữ sàn nhà sạch sẽ và thông thoáng
Nếu bạn định ngủ trên sàn, hãy dọn sạch xung quanh chỗ ngủ của bạn bất cứ thứ gì có thể khiến bạn bị thương hoặc lăn lên người. Thường xuyên hút bụi, quét hoặc lau sàn nhà để loại bỏ các mảnh vụn và chất gây dị ứng. Thường xuyên giặt bộ khăn trải giường của bạn.
- Trải một lớp đệm lên sàn
Đặt chăn, chiếu hoặc túi ngủ trên sàn nhà. Bạn có thể sử dụng nhiều lớp để làm giảm độ cứng của sàn và cảm thấy dễ chịu hơn.
- Cho bản thân thời gian để làm quen
Thay vì ngủ cả đêm, trước tiên hãy thử ngủ một giấc ngắn để cơ thể làm quen với môi trường ngủ mới.
Vân Anh/Nguồn: Healthline, Sleepfoundation