Trong trường hợp sỏi có ảnh hưởng đến chức năng đường tiết niệu, cần can thiệp. Một số phương pháp chỉ định trong từng trường hợp cụ thể như tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi tán sỏi qua da, tán sỏi ngược dòng, phẫu thuật lấy sỏi...
1. Vận động có vai trò quan trọng với bệnh sỏi tiết niệu
Lười vận động là một trong những yếu tố sẽ gây sỏi tiết niệu. Nhiều người thường ngồi làm việc nhiều hay nằm nhiều mà ít vận động sẽ khiến cho sự lưu thông, bài tiết nước tiểu kém, do đó tốc độ dòng chảy nước tiểu không đủ mạnh để cuốn đi các chất khoáng trong nước tiểu, gây lắng đọng và tạo điều kiện để hình thành sỏi tiết niệu.
Mặt khác, lười vận động cơ thể kém hấp thu canxi, tạo điều kiện để canxi bài tiết vào nước tiểu nhiều hơn và lắng đọng thành sỏi. Lười vận động còn là nguyên nhân gây ra nhiều thói quen có hại khác như nhịn tiểu, uống ít nước và béo phì cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh ở vùng thận – tiết niệu. Đường tiết niệu sẽ chịu áp lực rất lớn khi nước tiểu bị giữ quá lâu trong cơ thể kết hợp đồng thời với các vi khuẩn, chất cặn bã không được đào thải sẽ tích tụ lại và gây nên viêm nhiễm đường tiết niệu. Sau một thời gian, tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu.
Do ngại đi tiểu nên nhiều người có thói quen ít uống nước. Khi uống không đủ nước, cơ thể không đủ chất lỏng để hòa tan các tạp chất dư thừa ở đường tiết niệu khiến chúng lắng đọng, kết tinh lại gây ra sỏi.
Lười vận động gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Với những người thuộc nhóm thừa cân, béo phì, sự bài tiết các chất tạo sỏi trong nước tiểu như canxi, acid uric, phosphat hay oxalat gia tăng đáng kể. Đặc biệt, người có chỉ số BMI ≥ 25 còn tăng nguy cơ tái phát hình thành sỏi.
Vì vậy, việc luyện tập rất quan trọng trong việc ngăn ngừa hình thành sỏi tiết niệu và sự tái phát của sỏi. Khi luyện tập thể dục, lưu lượng máu đến thận giảm đi do sự gia tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, cơ quan kiểm soát sự bài tiết của thận giúp ngăn ngừa hình thành sỏi. Việc giảm lưu lượng máu này là yếu tố cần thiết để duy trì huyết áp khi các mạch máu trong cơ bắp giãn ra trong lúc tập thể dục.
Việc giảm lưu lượng máu lúc tập dù là ở cường độ trung bình hay cao cũng dẫn đến giảm lượng chất lỏng được lọc bởi thận, từ đó cũng dẫn đến giảm sản xuất nước tiểu ngăn ngừa hình thành sỏi.
Luyện tập làm thay đổi cách cơ thể sử dụng chất dinh dưỡng và kiểm soát dịch trong cơ thể vốn ảnh hưởng đến sự hình thành sỏi tiết niệu. Những người tập thể dục giải phóng muối ra khỏi cơ thể qua mồ hôi, đồng thời giữ lại canxi trong xương, thay vì để chúng dồn ứ trong thận và đường tiết niệu rồi tạo thành sỏi.
Luyện tập thể dục rất quan trọng trong việc ngăn ngừa hình thành sỏi tiết niệu.
2. Bài tập dành cho người bệnh sỏi tiết niệu
2.1 Đạp xe
Đạp xe thường xuyên sẽ giúp kiểm soát được dịch trong cơ thể đồng thời giải phóng lượng muối bằng cách tiết mồ hôi, giảm nguy cơ sỏi tiết niệu tái phát. Việc tập thể dục bằng xe đạp cũng góp phần không nhỏ trong việc hình thành sỏi tiết niệu và hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị bệnh.
Cần duy trì việc đi xe đạp với tần suất là ít nhất 3 lần/tuần trong thời gian khoảng từ 30 phút đến 45 phút để có thể thấy phương pháp mang lại những hiệu quả tích cực đối với sức khỏe.
2.2 Thường xuyên đi bộ
Đi bộ giúp tăng cường trao đổi chất, tăng bài tiết, đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể thông qua việc tăng tiết mồ hô, giảm sự lắng đọng của các chất khoáng tại thận, từ đó giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi.
Sỏi tiết niệu hình thành do béo phì, tiểu đường, các bệnh về tim mạch. Do đó đi bộ giúp kiểm soát tốt cân nặng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống bệnh sỏi. Người bệnh có thể đi bộ sau bữa ăn tối, mỗi ngày đi bộ khoảng 30 phút để nâng cao sức khỏe, giảm tình trạng béo phì. Ngoài ra nếu thể trạng tốt thì người bệnh có thể chạy bộ nhẹ nhàng mỗi ngày.
2.3 Bơi lội
Nếu không thích đi bộ thì có thể bơi lội. Đây là hoạt động thể thao tốt cho sức khỏe, không chỉ giúp chỉ giúp rèn luyện cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai mà còn có thể phòng ngừa, hỗ trợ, điều trị sỏi tiết niệu. Bơi lội là một bài tập phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt với những người bị sỏi tiết niệu bởi bơi lội thường xuyên cũng giúp đốt cháy calo giúp người bệnh khỏe mạnh, ngăn chặn được tình trạng béo phì. Với người bị sỏi tiết niệu có thể tham gia các buổi bơi lội 2-3 buổi/tuần.
2.4 Tập Yoga
Động tác chiếc thuyền
- Tác dụng: Tăng cường và kích hoạt các cơ quan nội tạng, đặc biệt là thận, giúp phòng tránh bệnh sỏi thận hiệu quả.
- Cách thực hiện:
+ Nằm ngửa trên thảm tập, mặt đối diện với trần nhà. Sau đó để 2 cánh tay xuôi theo thân và áp 2 lòng bàn tay xuống sàn nhà. Hít thở đều để duy trì trạng thái thả lỏng của cơ thể.
+ Sau đó hít 1 hơi, nhấc cả 2 chân lên phía trên và tạo với sàn nhà 1 góc 45 độ, trong khi nhấc chân lên cố gắng giữ cho đôi chân luôn thẳng.
+ Sau khi đã giơ chân lên đúng với hướng dẫn, bạn chồm người về phía trước với đôi tay cũng giơ thẳng và hướng về phía trước. Lúc này tư thế cơ bản nhất là đôi tay của bạn sẽ song song với đôi chân, nếu cơ thể dẻo tốt, hãy cố gắng chồm người tới dùng đôi tay chạm vào 2 bàn chân. Lúc này cơ thể chỉ tiếp xúc với sàn nhà thông qua mông, mọi lực của cơ thể lúc này cũng đổ dồn xuống mông. Giữ tư thế này từ 10 – 20 giây
Động tác gập thân trước
- Tác dụng: Tăng cường chức năng thận và phòng tránh bệnh sỏi thận hiệu quả.
- Cách thực hiện:
+ Ngồi thẳng lưng, chân duỗi thẳng trước. Các ngón chân thả lỏng. Hít vào và nâng 2 tay lên qua đầu, kéo dãn cánh tay.
+ Thở ra và gập người về phía trước (cảm nhận phần gập là hông bạn), cằm cố gắng chạm chân.
+ Kéo căng cánh tay ra xa nhất có thể. Hít vào, sau đó ngẩng đầu một chút, kéo giãn cột sống. Thở ra và cố gắng gập sao cho rốn của bạn chạm chân .
+ Lặp lại vài lần, sau đó giữ đầu đặt lên chân. Hít vào và trở lại tư thế ngồi, tay vương cao qua đầu. Thở ra và hạ tay xuống.
+ Có thể dành từ 30 phút đến 1 tiếng để tập yoga mỗi ngày. Hãy lựa chọn những tư thế khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất và thực hiện đều đặn để đạt được kết quả tốt nhất.
Đạp xe giúp kiểm soát được dịch trong cơ thể đồng thời giải phóng lượng muối bằng cách tiết mồ hôi, giảm nguy cơ sỏi tiết niệu tái phát.
3. Những lưu ý khi tập luyện
Người bệnh sỏi tiết niệu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tập luyện để kiểm tra sức khỏe và đưa ra các bài tập phù hợp.
Có thể chọn các bài tập để vận động các nhóm cơ lớn một cách liên tục như đi bộ, bơi lội, đạp xe hoặc các bài tập có cường độ thấp hơn như tập vận động nhẹ tại chỗ cũng rất tốt cho sức khỏe. Cố gắng tập các bài tập nhẹ nhàng nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần và tránh nâng các vật nặng khi tập.
Tùy vào thể chất của mỗi người để có mức độ tập luyện khác nhau, nhưng các bác sĩ có một số lời khuyên như sau:
- Không nên tập quá mệt đến mức không nói chuyện được với những người xung quanh (nên tập cùng với bạn hoặc người thân). Sau khi tập xong bạn vẫn cảm thấy khỏe như bình thường là được (nếu tập xong mà vẫn còn mệt kéo dài thì cần giảm cường độ tập luyện trong lần sau).
- Cơ bắp sau khi tập không cảm thấy quá đau và vẫn có thể tập trong lần kế tiếp.
- Cường độ tập ở mức thấy thoải mái.
- Bắt đầu chậm rãi để làm nóng, sau đó tăng dần đến cường độ mong muốn rồi giảm dần khi gần về đến đích, để cơ thể có thể quen dần từ từ và tránh được chấn thương. Đầu tiên nên tập ít nhất khoảng 30 phút mỗi ngày. Sau đó nên nâng thời gian tập lên.
- Tránh tập vào thời điểm nóng bức trong ngày. Nên tập vào buổi sáng hoặc buổi tối. Không nên tập luyện trước khi đi ngủ 1 tiếng trở xuống.
Theo suckhoedoisong.vn